Tỷ giá, vàng hạ nhiệt
Quyết liệt triển khai giải pháp hỗ trợ nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô Diễn biến tỷ giá phù hợp với xu hướng |
Ngày 25/4, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.264 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. Giá bán giao ngay USD được Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước giữ nguyên mức 25.450 đồng/USD.
Giá USD ngân hàng ngay từ đầu giờ sáng cũng đồng loạt giảm 10 đồng để đáp ứng yêu cầu trần quy định. Cụ thể tại Vietcombank, giá USD hiện được niêm yết ở mức 25.167-25.477 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. BIDV và VietinBank áp dụng lần lượt là 25.177-25.477 đồng/USD và 25.166-25.476 đồng/USD. Tương tự, Techcombank cũng giảm 45 đồng chiều mua và 10 đồng chiều bán xuống 25.170-25.477 đồng/USD.
Tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi NHNN có những biện pháp mạnh mẽ can thiệp thị trường như sẵn sàng bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối khi cần thiết. Ngoài ra, từ ngày 19/4, NHNN đã công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng/USD.
Tỷ giá hạ nhiệt sau các biện pháp quyết liệt của NHNN |
Song song với đó, NHNN tiếp tục sử dụng kênh tín phiếu và OMO để điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng, qua đó có tác động đến tỷ giá. Trong đó, NHNN tăng cường cho vay qua kênh OMO và nâng lãi suất từ 4%/năm lên 4,25%/năm.
Giới chuyên môn đánh giá, động thái tăng lãi suất OMO được cho là rất phù hợp. Việc NHNN tăng cường cho vay OMO và điều chỉnh kỳ hạn lên 14 ngày là nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong bối cảnh giai đoạn cao điểm thanh toán. Bên cạnh đó, việc nâng lãi suất OMO cũng một động thái hợp lý do kỳ hạn cho vay đã tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, đồng thời điều này sẽ giúp thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn. Từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất trên thị trường 1. Thông qua đó nhà điều hành hạn chế hiện tượng đầu cơ USD, giảm sức ép lên tỷ giá.
"Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO được đánh giá là nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường 1, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng", một chuyên gia nhận định.
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, tỷ giá liên tục tăng nóng. Cách đây một tuần, tỷ giá tăng tới 5,9% so với đầu năm. Hiện tại, nhờ các giải pháp can thiệp của NHNN, tỷ giá đã bớt căng, chỉ còn tăng 4,8% so với đầu năm. Mức mất giá này của tiền đồng vẫn còn thấp so với mức mất giá của nhiều đồng tiền khác trên thế giới: Đài tệ mất giá 5,96% từ đầu năm; bath Thái mất 7,12%; yen Nhật mất 9,69%; won Hàn Quốc mất giá 7,71%; franc Thụy Sỹ mất giá 8,2%... Song áp lực lên tỷ giá vẫn cao.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, NHNN rất quyết liệt trong điều hành tỷ giá. Quan điểm của NHNN là ổn định chứ không phải cố định tỷ giá, lên xuống phù hợp với tình hình để tránh những tác động mạnh của thế giới và tạo sự cân đối hài hòa. Thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá như: hút tiền dư thừa trong hệ thống về, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ… Giải pháp cuối cùng là bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Dù vậy, Phó Thống đốc cũng khuyến nghị, để chung tay giữ ổn định tỷ giá, doanh nghiệp cũng phải phối hợp bằng cách không nên găm giữ ngoại tệ, tránh tạo thêm áp lực cho tỷ giá.