Tỷ lệ tín dụng khu vực tư nhân trên GDP của Việt Nam thuộc top cao nhất ASEAN
Tại hội thảo khoa học thường niên FinHUB 2024 vừa được Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến mạnh, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong đó, ngoài hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính cũng phát triển toàn diện và đa dạng hơn với thị trường chứng khoán, bảo hiểm và các định chế tài chính phi ngân hàng khác.
TS. Nguyễn Anh Vũ - Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 15 năm trở lại đây, chỉ số phát triển tài chính (FD) tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng tích cực trên tất cả các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Tuy nhiên, sự phát triển về chiều sâu ở ba trụ cột chính là ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán còn chưa đồng đều.
TS. Nguyễn Anh Vũ - Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo |
Tính đến nay, dòng vốn trong nền kinh tế luân chuyển chủ yếu ở lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, năm 2023 tỷ lệ tín dụng khu vực tư nhân trên GDP ở mức 136,9%, thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ tín dụng dụng khu vực tư nhân trên GDP cao nhất trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, tổng tài sản của các công ty bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 8,8% GDP, doanh thu phí bảo hiểm hàng năm đạt khoảng 2% GDP - ở mức khá thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
“Như vậy có thể thấy mức độ tập trung vốn và sự phụ thuộc về vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn còn do hệ thống ngân hàng đảm nhiệm và dư địa cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm và thị trường chứng khoán trong tương lai còn khá lớn và đầy tiềm năng” – ông Vũ nhận định.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, những bước tiến của thị trường tài chính - ngân hàng tại Việt Nam có sự đóng góp đáng kể từ hoạt động cải cách hệ thống tài chính, tự do hóa và phát triển tài chính theo chiều sâu. Trong đó, đặc biệt là trao quyền tự chủ cho các NHTM có vốn Nhà nước để hoạt động như NHTM hiện đại theo hướng thị trường; cải cách thể chế để tạo lập các định chế và thị trường tài chính mới (định chế tài chính ngoài quốc doanh, thị trường chứng khoán) và hội nhập tài chính quốc tế theo hướng thận trọng.