Việt Nam giữ vững sức hút FDI
8 tháng của năm 2024, vốn FDI đăng ký mới và mở rộng đều tăng một cách tích cực (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Tăng trưởng theo định hướng
Cách đây vài tháng, các dự án FDI mở rộng đầu tư có phần sụt giảm khiến nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sức hấp dẫn trong thu hút FDI có vẻ chững lại. Song PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân lý giải, thông thường sau quý đầu năm, việc tăng đầu tư mở rộng chưa được triển khai bởi chu kỳ tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ vừa kết thúc. Thực tế đến nay cho thấy, vốn đăng ký mới và mở rộng đều tăng một cách tích cực.
Chẳng hạn, trong 8 tháng đầu năm 2024 có hơn 20,52 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn giải ngân trong 8 tháng đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đầu tư mới cũng như vốn tăng thêm vẫn tăng khá mạnh. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm 2024, có 2.247 dự án đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, tương ứng tăng 8,5% và tăng 27% so với cùng kỳ. Trong khi đó, với 926 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 4,9% so với cùng kỳ), vốn đăng ký tăng thêm hơn 5,7 tỷ USD (tăng 27% so với cùng kỳ).
Không đơn thuần là tăng trưởng tốt, thời gian gần đây, cơ cấu dòng vốn FDI vào Việt Nam còn từng bước có tính chọn lọc theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra là lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra sự liên kết và chuỗi giá trị. Hiện đã xuất hiện nhiều dự án ở lĩnh vực công nghệ cao, mang tính lan tỏa như dự án nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor với vốn đầu tư 1,6 tỉ USD tại Bắc Ninh; Công ty Hana Micron Vina (Hàn Quốc) với nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang; Quanta (Đài Loan) cũng đã ký với Nam Định thỏa thuận phát triển dự án sản xuất và gia công máy tính…
Từ những kết quả trên, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định, tiềm năng thị trường và triển vọng đầu tư khả quan. Điều đó tiếp tục khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đúng như Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2023 và là "miền đất hứa" để các tập đoàn ngoại đẩy mạnh mở rộng cũng như thu hút dự án mới.
Từng bước khắc phục những bất cập
Dù đang đứng trước triển vọng từ thu hút FDI nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn với việc thích nghi các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng; hạ tầng logistics tại Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất còn nhiều bất cập; vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển… đang là những bất cập cản trở “bước tiến” của thu hút vốn FDI của Việt Nam.
Ngoài khắc phục những bất cập nêu trên, để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng lượng vốn FDI, theo các chuyên gia, Việt Nam không thể đứng ngoài chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới với tiêu chí hàng đầu là công nghệ, để có thể đưa doanh nghiệp trong nước trở thành vệ tinh, sản xuất các khâu phụ trợ và nắm bắt công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI. Muốn vậy, Việt Nam cũng không thể ngồi chờ nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, mà cần chủ động hơn. “Chúng ta cần những nhà đầu tư chất lượng thì nền kinh tế, môi trường đầu tư, doanh nghiệp Việt cũng phải chất lượng”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định.
Đưa ra một số giải pháp cụ thể, vị chuyên gia này đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI; phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Mở rộng các Khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư; nhân lực chất lượng cao chính là yêu cầu tất yếu, là động lực đột phá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách, đứng trên vai người khổng lồ tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, kinh tế xanh, bền vững là xu hướng phát triển toàn cầu. Do đó, Việt Nam không chỉ phải tốt tư duy quản lý, điều hành, hoạch định chính sách mà còn cần sự phối hợp mọi khâu đầu-cuối trong chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề quan trọng quyết định Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI tới mức nào, thu hút vốn FDI chất lượng cao nhiều hay ít, ở tất cả các lĩnh vực.