Xây dựng khung quản trị dữ liệu cho các NHTM Việt Nam
Quang cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, dữ liệu là nguồn tài nguyên vô cùng có giá trị, là tài sản vô hình trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Nguồn tài nguyên dữ liệu là thực sự khổng lồ, được tạo ra và thu thập từ rất nhiều nguồn, dưới rất nhiều dạng, với chất lượng và giá trị khác nhau, kéo theo thách thức vô cùng lớn cho các tổ chức trong việc làm sao để quản trị và tận dụng chúng một cách có hiệu quả.
Các ngân hàng hiện nay nhận thức rõ được tầm quan trọng của dữ liệu, coi dữ liệu là tài sản chiến lược. Quản trị dũ liệu cũng là nền tảng cơ sở giúp các ngân hàng nâng cao năng lự cạnh tranh trong thời đại số. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều đang ở bước đầu trong quá trình tập trung dữ liệu, vấp phải nhiều khó khăn, còn tồn tại không ít kho dữ liệu phục vụ các mục đích khác nhau. Nhiều ngân hàng chưa quy định được kiến trúc dữ liệu thống nhất trên toàn hàng, việc sử các công cụ quản lý, truy cập và khai thác dữ liệu chưa được đồng bộ...
Trước thực tế đó, nghiên cứu đề tài ra đời đưa ra những giải pháp cũng như khuyến nghị để từ đó xây dựng được khung quản trị dữ liệu làm kim chỉ nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM phát triển đúng hướng, tiếp tục đem lại hiệu quả ngày càng cao hơn cho tổ chức nói riêng và cho toàn ngành ngân hàng nói chung.
TS. Phan Thanh Đức, Trưởng Khoa Hệ thống thông tin quản lý chia sẻ |
TS. Phan Thanh Đức, Trưởng Khoa Hệ thống thông tin quản lý (Học viện Ngân hàng) chia sẻ, các tổ chức ngân hàng đang nắm trong tay một lượng dữ liệu khổng lồ và vô giá về khách hàng, bởi đó là những dữ liệu tài chính, giao dịch có tính nhạy cảm và ý nghĩa rất lớn nếu như được quản lý và sử dụng đúng cách, đặc biệt là trong thời đại của các công nghệ mới như Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo hay Máy học,… Ngân hàng nào làm chủ được khối tài sản vô hình này thì lợi thế cạnh tranh lớn nhất chắc chắn thuộc về họ. Điều đó đã đặt ra những thách thức rất lớn cho các ngân hàng trong việc kiểm soát, xử lý về khối lượng cũng như chất lượng dữ liệu mà họ đang có. Và họ hiểu câu trả lời cho vấn đề này chính là quản trị dữ liệu - Data Governance.
Theo TS. Phan Thanh Đức, quản trị dữ liệu là nền tảng cơ sở để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ngân hàng số và khả năng phân tích nâng cao. Để làm rõ hơn quan điểm này này, nhóm nghiên cứu đã quyết định thực hiện đề tài nhằm xác định thực trạng dữ liệu tại hệ thống NHTM Việt Nam, từ đó đề xuất khung quản trị sao cho phù hợp cũng như khuyến nghị các thức triển khai hoạt động này một cách hiệu quả, đem lại lợi thế tối đa cho các ngân hàng trong công cuộc chuyển đổi số cũng như tái tạo số trong tương lai.
Theo nhóm nghiên cứu đề tài, trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin, nhóm nghiên cứu đưa ra đánh giá chung về thực trạng dữ liệu của các NHTM Việt Nam theo 6 nội dung gồm chiến lược và tầm nhìn của tổ chức về dữ liệu; cơ cấu nhân sự, phòng ban phụ trách về dữ liệu; kiến trúc dữ liệu hiện có tại tổ chức; quy trình quản lý vòng đời dữ liệu; chất lượng dữ liệu tại tổ chức và các hoạt động đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.
Hiện nay các NHTM Việt Nam phần lớn đều đang ở giai đoạn đầu của lộ trình triển khai quản trị dữ liệu toàn hàng. Một số ngân hàng đã có những thành tựu vượt trội trong việc triển khai hoạt động quản trị dữ liệu như TP Bank, VP Bank, VietinBank, Techcombank,… Những ngân hàng này có thể coi như đã hình thành chiến lược dữ liệu, khung quản trị dữ liệu, có ban lãnh đạo, có đơn vị chịu trách nhiệm chính cùng các chính sách, quy định về vai trò của các bên liên quan, thiết lập kế hoạch quản trị dữ liệu theo mỗi giai đoạn và đang từng bước thực hiện.
Từ những vấn đề thực tế đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, NHNN và các NHTM. Theo đó, khuyến nghị đối với Chính phủ, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần tăng cường quản trị dữ liệu trong các cơ quan nhà nước. Phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của chính phủ và Phát triển kỹ năng sử dụng dữ liệu, ra quyết định dựa vào dữ liệu trong các cơ quan nhà nước. Nghiên cứu, xem xét, ban hành luật về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Đối với NHNN, cần xây dựng các chính sách để đẩy mạnh việc chia sẻ dữ liệu; Phân công trách nhiệm người lãnh đạo. Các đơn vị Vụ, Cục trong hệ thống NHNN cần xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu dùng chung; xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng dựa trên công nghệ số. Có chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp, trang bị kiến thức về phương pháp, quy tắc bảo mật dữ liệu, kỹ năng làm việc với dữ liệu cho người lao động. Mở rộng hợp tác với các ngân hàng trên thế giới, trao đổi cán bộ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia dữ liệu và phổ cập kiến thức về dữ liệu và quản trị dữ liệu trong toàn hệ thống.
Còn đối với các NHTM, cần xây dựng chiến lược dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu phù hợp với cơ chế và chính sách, hướng đến khả năng chia sẻ thông tin rõ ràng gắn với trách nhiệm cung cấp dữ liệu chính xác để phát triển ngân hàng mở. Xây dựng cơ cấu tổ chức ngân hàng theo định hướng dữ liệu và đẩy mạnh ứng dụng việc sử dụng và khai thác các kho dữ liệu dạng đám mây...