Xuất khẩu thủy sản: Nhiều tín hiệu phục hồi cuối năm
Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với 2022.
Xuất khẩu cá tra tháng 6 đạt khoảng 156 triệu USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu cá tra đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,2 tỷ USD, vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt 1,6 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ; xuất khẩu cá tra đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt trên 380 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu ở các mặt hàng, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, cho rằng: Ngoài những khó khăn do sức tiêu thụ của thị trường kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào đều tăng cao dẫn tới giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên
Bà Lê Hằng nhận định, nhìn chung các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi 2 yếu tố chính: lạm phát và tồn kho. Lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuổi năm. Tuy nhiên, lạm phát tại nhiều thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đó sẽ là "cái phanh" kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại Mỹ, EU...
Bên cạnh đó, Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ… Trong khi sức khỏe và sức chịu đựng của nông ngư dân và doanh nghiệp trong nước suy yếu.
Nhận định về tình hình tình hình 6 tháng cuối năm, VASEP cho rằng một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, đó là hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Bởi vì ở những thị trường này, chúng ta chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.
VASEP cũng đề nghị cơ quan thuế đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; đồng thời kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023 để giảm áp lực tài chính, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.