ADB: Động lực tăng trưởng của Việt Nam chuyển từ đầu tư bên ngoài sang tiêu dùng nội địa
Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng cuối năm? | |
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2019 |
Cùng với việc giữ nguyên dự báo tăng trưởng so với lần công bố báo cáo trước, hạ dự báo về lạm phát, ADB cũng lưu ý, mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội có chậm lại trong nửa đầu năm 2019, song Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu.
Quang cảnh buổi công bố báo cáo |
Đáng chú ý trong báo cáo của ADB là nhận định của Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, khi cho rằng: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức độ thấp”
Làm rõ thêm vấn đề, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cũng cho biết tất cả các chỉ số như tiêu dùng nội địa, đầu tư trong nước và xuất khẩu đều rất khả quan, là nhân tố chính giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế ở thời điểm hiện tại.
Như vậy, có thể thấy động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong thời gian qua đã thay đổi từ khu vực đầu tư bên ngoài sang khu vực tiêu dùng nội địa trong nước.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc đánh giá công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ 9 tháng đầu năm, các chuyên gia ADB nhìn chung đều có cái nhìn tích cực về hiệu quả công tác điều hành Chính phủ khi các chỉ số như lạm phát duy trì ở mức thấp, cán cân thanh toán thặng dư, tỷ giá ổn định...
Đặc biệt, theo ADB, hiện có rất ít các nhân tố không tốt ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Phần cuối báo cáo, ADB nhấn mạnh rủi ro đối với những dự báo trên là đáng kể. Trong đó, rủi ro lớn nhất sẽ đến từ bên ngoài là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm.
Đặc biệt, nếu như xung đột thương mại, chủ yếu thông qua việc tăng thuế quan biến thành cạnh tranh phá giá đồng tiền thì nó sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn hơn đối với thị trường tài chính quốc tế và tạo ra các rủi ro mới đối với nền kinh tế Việt Nam.