Các quỹ mở của VinaCapital dẫn đầu thị trường về lợi nhuận quý I/2022
Các quỹ mở mà VinaCapital đang quản lý bao gồm Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF), Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF), Quỹ Đầu tư Cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF), Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF).
Hai quỹ cổ phiếu VEOF và VESAF đã giữ vị trí hàng đầu về lợi nhuận trên toàn thị trường trong năm 2021 và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu các quỹ đầu tư trong quý I/2022.
Cụ thể, quỹ VEOF đã đạt lợi nhuận 8,6%, chiếm vị trí dẫn đầu toàn thị trường và quỹ VESAF xếp ngay sau với lợi nhuận 8,1%. Hai quỹ cổ phiếu này mang lại lợi nhuận vượt trội trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và chỉ số VN-Index giảm 0,4%. Quỹ cân bằng VIBF đã đạt lợi nhuận 5,0% và quỹ trái phiếu VFF đạt 2,1%, đứng đầu trong nhóm quỹ cùng loại trong quý I/2022.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường, các quỹ mở của VinaCapital vẫn có khả năng đem lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư nhờ vào việc các quỹ đã xây dựng được một danh mục tập trung những cổ phiếu có kỳ vọng sinh lời cao thông qua nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng. Từng danh mục đầu tư được đưa vào mô hình quản lý rủi ro chặt chẽ nhằm tối ưu hóa mức lợi nhuận sau khi đã điều chỉnh cho rủi ro.
Đối với trái phiếu, danh mục đầu tư tập trung vào trái phiếu của các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng cao, dòng tiền bền vững. Tại VinaCapital, các khâu thẩm định đầu tư trái phiếu được tuân thủ theo quy trình chuẩn hóa và VinaCapital là công ty quản lý quỹ đầu tiên trên thị trường có Hệ thống xếp hạng tín nhiệm riêng cho các trái phiếu cũng như các doanh nghiệp được xem xét đầu tư.
Từ đó, VinaCapital có thể sàng lọc ra những doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng cao, có dòng tiền tương lai tốt và chọn lọc những trái phiếu an toàn, có lợi suất cao, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, VinaCapital tuân thủ quy trình xây dựng danh mục để đảm bảo đa dạng hóa các khoản đầu tư và áp dụng quy trình kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt để đảm bảo các quỹ luôn tuân thủ khung pháp lý do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề ra với quỹ mở trái phiếu.
Tổng tài sản của 4 quỹ đạt hơn 3.392 tỷ đồng, tăng 18,9% so với đầu năm, trong đó VESAF là 1.157 tỷ đồng, VEOF là 822 tỷ đồng, VIBF là 779 tỷ đồng, VFF là 634 tỷ đồng; thu hút gần 29.650 nhà đầu tư tính đến ngày 31/3/2022.
Quỹ VESAF chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu hạn chế sở hữu nước ngoài; cổ phiếu của những công ty có vốn hóa vừa và nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng tốt với lợi thế cạnh tranh nhờ chiến lược kinh doanh và phân khúc thị trường riêng biệt.
Tính đến 31/3/2022, phần lớn tài sản của quỹ VESAF được đầu tư vào cổ phiếu thuộc ngành tài chính (21,8%), công nghiệp (15,5%), vật liệu (13,7%), tiêu dùng thiết yếu (10,3%), công nghệ (8,8%), và bất động sản (7,7%), với các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục bao gồm MBB, FPT, MWG, QNS và KDH. Lợi nhuận trung bình hàng năm của quỹ VESAF đạt 23,4%/năm từ khi thành lập (18/4/2017) cho đến ngày 31/3/2022.
Quỹ VEOF chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết của các doanh nghiệp đầu ngành có giá trị vốn hóa lớn và vừa, có lợi thế cạnh tranh khác biệt và tiềm năng tăng trưởng tốt để mang lại lợi nhuận cao hơn tăng trưởng của VN-Index cho nhà đầu tư dài hạn.
Tính đến 31/3/2022, gần 90% tổng tài sản của VEOF được phân bổ vào các ngành tài chính (26,0%), bất động sản (15,1%), vật liệu (12,5%), tiêu dùng không thiết yếu (9,8%), công nghiệp (8,2%), công nghệ (7,4%), tiêu dùng thiết yếu (5,5%), y tế (3,0%), và tiện ích (2,4%), với danh mục đầu tư tập trung vào các cổ phiếu blue-chip như FPT, MWG, MBB, TCB và VCB. Lợi nhuận trung bình hằng năm của VEOF là 14,5%/năm từ khi thành lập (1/7/2014) đến ngày 31/3/2022.
Dẫn đầu trong nhóm quỹ cân bằng, quỹ VIBF chủ yếu đầu tư vào trái phiếu có chất lượng tín dụng cao và cổ phiếu niêm yết của các công ty có nền tảng vững mạnh và triển vọng lợi nhuận bền vững, giúp nhà đầu tư hưởng lợi từ các cổ phiếu tăng tưởng tốt, đồng thời giảm thiểu rủi ro biến động thị trường nhờ đa dạng hóa danh mục vào các loại chứng khoán có thu nhập cố định.
Tính đến ngày 31/3/2022, tổng tài sản của VIBF được phân bổ khoảng 50% vào cổ phiếu và 50% vào tài sản thu nhập cố định theo chiến lược đầu tư của quỹ. Danh mục cổ phiếu nắm giữ của quỹ chủ yếu thuộc ngành tài chính, tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, vật liệu xây dựng, và tiêu dùng không thiết yếu, với các mã cổ phiếu chính như FPT, MWG, MBB và TCB. Lợi nhuận trung bình hằng năm của quỹ VIBF đạt 18,6%/năm từ khi thành lập (14/7/2019) đến ngày 31/3/2022.
Quỹ VFF dẫn đầu nhóm quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu trên thị trường. VFF lựa chọn trái phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh và ban lãnh đạo có năng lực; giấy tờ có giá và các công cụ đầu tư có thu nhập cố định khác.
Tính đến 31/3/2022, trên 93,9% tổng tài sản của VFF được đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, tiêu dùng, và bất động sản. Hiện tại, danh mục đầu tư của VFF bao gồm trái phiếu phát hành bởi KBC, SBT, MSN, MML, HDG và GEG. Lợi nhuận trung bình hằng năm của quỹ VFF đạt 7,7%/năm từ khi thành lập (8/4/2013) đến ngày 31/3/2022.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital cho biết: “Kết quả dẫn đầu của các quỹ mở VinaCapital trong năm 2021 đã tạo đà tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2022. Lợi nhuận tăng trưởng vượt trội dù có những biến động khá lớn trên thị trường minh chứng cho chiến lược đầu tư đúng đắn mà chúng tôi đang theo đuổi".