Cần tháo rào cản cho kinh doanh bất động sản du lịch
"Từ cuối năm 2019, sau những tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng, bức tranh của thị trường bất động sản du lịch đã bớt sôi động và tâm lý chờ đợi tính pháp lý rõ ràng đang bao trùm", PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ ra.
Nhìn lại hệ thống chính sách cho thấy, phân khúc bất động sản này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhưng chưa được hưởng các ưu đãi như đối với các ngành kinh tế mũi nhọn khác.
Các chính sách về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, chính sách tín dụng cho bất động sản nghỉ dưỡng không có ưu đãi gì đặc thù, trong khi đây là phân khúc đòi hỏi mức vốn đầu tư lớn cả trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, chu kỳ kinh doanh dài, thời gian thu hồi vốn chậm.
Ảnh minh họa. |
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất động sản du lịch với tư cách là “ngôi nhà thứ hai” là loại hình phát triển khá mạnh. Chính sách sở hữu bất động sản theo hướng mở, thông thoáng giúp thị trường này tại nhiều nước tăng trưởng mạnh và ổn định.
Tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, người nước ngoài được phép mua nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014, nhưng Luật Đất đai năm 2013 không ghi nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở.
Luật pháp nước ta hiện cũng chưa có các quy định nhằm kiểm soát tình trạng không rõ ràng trong cam kết lợi nhuận, huy động vốn và điều chỉnh đối với một số loại hình giao dịch, cho thuê sở hữu kỳ nghỉ. Các quy định về huy động vốn chủ yếu thông qua bán bất động sản hình thành trong tương lai mà chưa đa dạng hoá các loại hình huy động vốn khác.
Các sản phẩm bất động sản du lịch như: Condotel, Shophouse, Resort... chưa được giải mã, định danh chính thức về mặt khái niệm để đi đến cách hiểu thống nhất trong một số đạo luật có liên quan trực tiếp đến kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, nước ta đang thiếu một hệ thống chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch thống nhất, đầy đủ, đồng bộ.
Các quy định về bất động sản du lịch hiện nằm rải rác ở những văn bản pháp luật khác nhau và không đồng bộ, thống nhất. Việc này không chỉ gây lúng túng trong quản lý nhà nước mà còn tạo thành “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh sản phẩm này.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025 (Quyết định số 147/QĐ-TTg) đặt mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Để hiện thực hóa chiến lược này, bên cạnh các chính sách phát triển du lịch, ông Nguyễn Quang Tuyến khuyến nghị: Cần có chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển bất động sản du lịch với các ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, tiền thuê đất, thuế, tín dụng; khuyến khích đầu tư những tổ hợp bất động sản du lịch đa công năng quy mô lớn.
Đồng thời, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước về phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, hình thành quỹ tín thác bất động sản (REIT).
Cơ quan quản lý cũng cần sớm định hình khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch, đặc biệt là hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, thủ tục đầu tư...
Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng định danh chính thức các loại bất động sản du lịch; bổ sung quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán bất động sản du lịch trong tương lai; quy định cụ thể về thế chấp bất động sản du lịch; cho phép cá nhân nước ngoài được mua bất động sản du lịch; cấp visa định cư có thời hạn bằng thời hạn sở hữu bất động sản cho người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam…
Đặc biệt, ông Tuyến khuyến nghị bổ sung các quy định về quản lý nhà nước trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 ở các loại hình chủ đầu tư kinh doanh bất động sản phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán; vấn đề bảo hiểm kinh doanh bất động sản; thị trường kinh doanh mua bán nợ trong lĩnh vực bất động sản; quy định về quản lý nhà nước đối với phân khúc thị trường bất động sản du lịch, tâm linh kết hợp với kinh doanh do các doanh nghiệp, cá nhân bỏ vốn đầu tư…
Quản lý nhà nước cũng cần bao quát các xu hướng mới đối với hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung và kinh doanh bất động sản du lịch nói riêng trên nền tảng giao diện điện tử, ứng dụng hệ thống tin học và áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần tích hợp chặt chẽ giữa hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản nói chung và kinh doanh bất động sản du lịch nói riêng với vấn đề bảo vệ môi trường; xây dựng các tiêu chí xác định các sản phẩm bất động sản du lịch xanh cùng cơ chế đồng bộ, thống nhất về chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trong việc tạo lập các sản phẩm bất động sản du lịch xanh hoặc lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch…