Chính sách tiền tệ cần thời gian thẩm thấu
Điểm sáng chính sách tiền tệ
Trong 7 điểm sáng Nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chỉ ra, chính sách tiền tệ là một trong những điểm sáng nổi bật khi NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành tạo dư địa cho các NHTM có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế; Tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo…
Trao đổi bên hành lang Quốc hội Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá cao Chính phủ, NHNN Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách tiền tệ hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch, đảm bảo cùng lúc thực hiện mục tiêu kép vừa kiềm chế lạm phát vừa giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, ổn định tỷ giá vừa đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Hà Nội nhận định, trong bối cảnh thế giới liên tục phải tăng lãi suất điều hành, Việt Nam là nước tiên phong giảm lãi suất điều hành. Mặc dù thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ mang tính chất hỗ trợ nhưng lạm phát vẫn giữ được ở mức hơn 3%. “Chúng ta không phải dùng chính sách quá thắt chặt tiền tệ nhưng vẫn kiềm chế được lạm phát thì quả thật đấy là một thành công rất lớn. Điều này đã thể hiện công tác điều hành chính sách tiền tệ rất hiệu quả”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét.
Các chuyên gia cũng nhận định, việc liên tục tăng lãi suất điều hành của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid sức cầu của thế giới giảm. Trước những khó khăn bất ổn chung của thế giới, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đòi hỏi rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, đặc biệt là phối hợp với các chính sách vĩ mô khác thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, ngay khi có điều kiện NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng. "Điều đó thể hiện rõ sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN", một chuyên gia ghi nhận..
Bên cạnh việc giảm lãi suất điều hành tới 4 lần, NHNN còn ban hành thông tư cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới; đồng thời chỉ đạo các TCTD rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất… Đến thời điểm này lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm 2,2%/năm so với cuối năm 2022. “NHNN đã luôn cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, điều chỉnh hợp lý, kịp thời các giải pháp quản lý, điều hành để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế”, đại biểu Tạ Thị Yên ghi nhận.
Việc NHNN 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Vẫn phải dè chừng với lạm phát, tỷ giá
Với mặt bằng lãi suất thấp hơn, cùng với việc nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và ngành Ngân hàng đang phát huy hiệu quả, dòng vốn chảy vào nền kinh tế đã nhanh hơn giai đoạn 6 tháng đầu năm. Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, đến 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022. Trước đó, trong tháng 8/2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,57%, còn tháng 7/2023 là 4,54%...
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ những năm trước. Do đó, Thủ tướng vừa có công điện về việc thực hiện các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành các công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền… hướng đến việc tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân…
Khẳng định yêu cầu trên là cần thiết trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm 2023 khi nhiều chỉ tiêu kinh tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng theo đánh giá của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, thời gian qua, công cụ chính sách tiền tệ đã sử dụng khá nhiều nên dư địa điều chỉnh, nhất là giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Đặc biệt việc NHNN có giảm thêm lãi suất điều hành hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến lạm phát, tỷ giá hối đoái…
Bên cạnh đó theo các chuyên gia, mặc dù hiện lạm phát không quá lo ngại, nhưng cũng không thể chủ quan, lơ là. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 9 tăng tới 1,08% so với tháng trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49% - cao hơn so với lạm phát CPI bình quân. Diễn biến này cho thấy áp lực lạm phát vẫn cần được theo dõi sát sao, nhất là trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới còn khó lường.
Cách đây không lâu, Đoàn tham vấn Điều IV của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này hiệu quả không cao mà lại tạo thêm rủi ro. Vì lãi suất trên toàn cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian dài và các ngân hàng tại Việt Nam đang phải đối mặt với các khoản nợ xấu ngày càng tăng, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cao.
Với bối cảnh hiện tại, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu giảm thêm lãi suất thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND với USD tiếp tục thu hẹp. Dòng vốn có khả năng đảo chiều, nhà đầu tư sẽ tìm đến thị trường khác với mức lãi suất cao hơn, thay vì đầu tư vào Việt Nam. “Đây cũng chính là con dao hai lưỡi khiến tỷ giá tăng cao. Từ giờ đến cuối năm, NHNN cần cân nhắc rất kỹ khi điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh việc giảm lãi suất không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Hơn thế, chính sách tiền tệ cần thời gian thẩm thấu nên tránh việc nóng vội, chủ quan”, TS. Huân lưu ý.
Chung quan điểm, chuyên gia ngân hàng Phạm Xuân Hoè cho rằng, mặt bằng lãi suất như hiện nay tương đối phù hợp với kinh tế Việt Nam. Nếu giảm tiếp sẽ rủi ro gây hệ lụy cho chu kỳ tiếp theo của nền kinh tế. Theo ông Hoè, nếu lãi suất giảm sâu có thể khuyến khích dòng tiền tập trung vào một số ngành có nhu cầu vốn lớn mà không có tính chất nền tảng bền vững, tiềm ẩn nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng, nền kinh tế cũng chịu rủi ro.
Qua những bài học trong quá khứ và từ thực tiễn, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, khôn khéo nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững vị thế đồng tiền Việt Nam trên tinh thần thấm nhuần quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Quan trọng nữa trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. “Những nhiệm vụ này không thể hy sinh nhiệm vụ nào mà phải đảm bảo hài hoà, linh hoạt trong điều hành”, vị chuyên gia này lưu ý.