Chứng khoán tuần tới: Hồi phục trong thận trọng?
Tuần tới liệu VN-Index có hồi phục? |
Nhận định thị trường tuần từ 18 đến 22/11, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phân tích, VCBS cho biết, VN-Index nối tiếp diễn biến điều chỉnh từ tuần trước trong tuần này và thất bại trong việc giữ được mốc hỗ trợ ngắn hạn 1.243 điểm. Nhóm blue-chips là áp lực chính khiến thị trường dần hụt hơi và đi xuống, mặc dù lực cầu có xuất hiện nhưng chỉ hưng phấn ở một số thời điểm trong phiên và không đi cùng với sự cải thiện về thanh khoản nên nỗ lực nâng đỡ chỉ số chung là không nhiều.
Trong tuần cũng ghi nhận biến động tỉ giá trong bối cảnh chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền khác) liên tục tăng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khối ngoại duy trì rút ròng thêm phần tác động tới diễn biến thị trường chung.
Ở phiên cuối tuần (15/11), sắc đỏ chiếm ưu thế từ đầu phiên cùng với sự thưa thớt của lực cầu khiến VN-Index trượt điểm xuyên suốt thời gian giao dịch phiên sáng. Tuy nhiên vận động phiên chiều đã có sự tiến triển khi lực cầu gia tăng ở một số cổ phiếu riêng lẻ (VTP+6,99%, CMG +1,58%) và nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp (SZC +2,30%, KBC +2,44%) giúp chỉ số chung bớt tiêu cực phần nào. Mặc dù vậy nhịp giằng co rung lắc diễn ra nhiều hơn gần cuối phiên do áp lực bán gia tăng mạnh đã xóa bỏ đi những nỗ lực của lực cầu trước đó cũng như khiến cho VN-Index đóng cửa tiệm cận mốc thấp nhất ngày.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.218,57, giảm 13,32 điểm, tương đương 0,57%. Kết tuần, VN-Index giảm 33,99 điểm (-2,71%) so với tuần trước.
Phân tích kĩ thuật, ông Hoàng cho biết, VN-Index kết phiên cuối tuần với nến Marubozu đỏ thể hiện áp lực bán áp đảo và sự thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường liên tục ghi nhận các phiên điều chỉnh trong tuần.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung điều chỉnh về khu vực 1.220 điểm, tương đương mốc 0.789 của thang đo Fibonacci mở rộng và chỉ báo RSI cũng đã ở vùng quá bán cho thấy mặt bằng giá hiện tại có thể sẽ thu hút được lực cầu mạnh mẽ hơn trong các phiên tới giúp thị trường cân bằng trở lại.
Tuy nhiên với diễn biến hiện tại, trong trường hợp nhà đầu tư vẫn chờ đợi để giải ngân ở vùng giá chiết khấu hơn thì ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.210 điểm, tương đương mốc 1 của thang đo Fibonacci mở rộng.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung bám sát đường biên dưới dải Bollinger band và vận động vào trong dải nhờ lực cầu phiên chiều. Chỉ báo dòng tiền CMF hướng xuống cùng đường -DI và ADX trên mốc 25 cho thấy dòng tiền đang thiếu sự vận động, lan tỏa cần thiết để giúp VN Index cân bằng hồi phục và rủi ro rung lắc trong ngắn hạn vẫn cần được tính đến.
Ông Trần Minh Hoàng khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời đối với những mã đã đạt mục tiêu lướt sóng T+ để bảo toàn lợi nhuận khi thị trường đang có những biến đông rung lắc điều chỉnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro cao vẫn có thể chọn lọc cổ phiếu duy trì được vận động ổn định như giữ vững vùng hỗ trợ và cho tín hiệu thu hút dòng tiền, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi diễn biến của thị trường chung, nhưng cần tuân thủ ngưỡng cắt lỗ/chốt lời để bảo toàn vốn.
Dưới góc nhìn của mình, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cho rằng, nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị danh mục đầu tư khi rủi ro ngắn hạn đang duy trì ở mức cao. Bởi lẽ thị trường tiếp tục trải qua một tuần điều chỉnh khi áp lực tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, chỉ số dollar index (DXY) tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần qua do kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới giảm xuống sau thông tin về chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 10 phù hợp với dự báo của thị trường nhưng cao hơn so với tháng 9 và bình luận của Chủ tịch Fed Powell mới đây về việc Fed không cần vội vàng trong việc hạ lãi suất.
Đà tăng của DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên tỷ giá VND và khiến cho dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị thu hẹp đáng kể. Việc tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng trong tuần qua và tỷ giá liên ngân hàng gần quay lại mức đỉnh hồi giữa năm cộng với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại vượt mốc 5% đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư cũng như diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép vốn có độ nhạy cao với biến động tỷ giá và lãi suất.
Đà bán ròng của khối ngoại tập trung ở những mã bluechips cũng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán. Kết tuần, chỉ số VN-Index chính thức đánh mất cận dưới 1.240 điểm của vùng tích lũy trước đó và đang hướng đến hỗ trợ sâu hơn tại 1.200 điểm.
Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh và chưa có dấu hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá hạ nhiệt một cách bền vững, ông Hinh cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục ở thời điểm này. Đối với những nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng danh mục cao hoặc đang dùng đòn bẩy ký quỹ, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng thấp hoặc giao dịch ngắn hạn, nên hạn chế việc “bắt đáy” khi thị trường chưa xác nhận điểm đảo chiều.