Chuyên gia: Lạm phát năm 2023 tăng khoảng 3,5%, thấp hơn so với mục tiêu
HSBC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 xuống 5,0%, lạm phát xuống 2,6% |
Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023". |
Lạm phát trong nửa đầu năm có xu hướng tăng thấp
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng CPI bình quân 6 tháng so với cùng kỳ năm trước thấp hơn của các năm 2014, 2017 và 2020, nhưng cao hơn hoặc bằng so với của các năm còn lại trong giai đoạn 10 năm 2014-2023; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2022 (cao nhất trong giai đoạn 2014 - 2023).
TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, đầu năm 2023 chúng tôi đã đưa ra dự báo lạm phát so với cùng kỳ sẽ đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm, còn lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ xoay quanh mức 3,5%.
Sau 6 tháng đầu năm, có thể thấy rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023, nhưng đồng thời cũng giảm mạnh hơn dự báo. Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%.
Sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích lí do xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu). Thứ hai, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt, là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các NHTM hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng.
PGS, TS, Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết: “Giá xăng dầu, giá gas trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá vật liệu xây dựng trong nước liên tục tăng, như giá thép có tới 6 lần tăng liên tiếp làm kiềm chế tốc độ tăng của CPI. Bên cạnh đó, công suất nền kinh tế dư thừa tạo áp lực ghìm giá cả của một số mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu”.
Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nhìn nhận lạm phát trong nửa đầu năm có xu hướng giảm do rất nhiều lý do tác động, trong đó tác động lớn từ giảm lãi suất. Đồng thời, diễn biến thị trường giá cả trong nước có chiều hướng thuận lợi.
Hiện nay, Bộ Tài chính với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ ngay từ đầu năm nhận diện, thấy rõ những thách thức đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát.
Từ đó, Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng những kịch bản, đưa ra định hướng và giải pháp cụ thể cho công tác quản lý điều hành giá, bởi đây là công tác mang tính chất thường xuyên, liên tục.
Theo các chuyên gia, dự báo lạm phát khoảng 3,5%, giúp mục tiêu kiểm soát lạm phát hoàn toàn có thể đạt được. |
Mục tiêu kiểm soát lạm phát hoàn toàn có thể đạt được
Theo Cục Quản lý giá, với tốc độ tăng CPI như 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần là điều kiện thuận lợi để thực hiện linh hoạt việc điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường sau khi việc thực hiện đã bị trễ trong những năm vừa qua.
Nhìn nhận về diễn biến thị trường giá cả và những yếu tố sẽ kìm cương lạm phát nửa cuối năm, theo TS. Nguyễn Đức Độ, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.
"Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%", ông Độ phân tích.
Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%, khó vượt qua 3% nên mục tiêu kiểm soát lạm phát là hoàn toàn đạt được.
PGS, TS, Nguyễn Bá Minh dự báo về tình hình lạm phát 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của NHNN, duy trì ở mức dưới 4,5% như Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú thì nhận định, bức tranh toàn cảnh CPI 6 tháng cuối năm 2023 sẽ đạt ở mức 3,8- 4%, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát...
Vị chuyên gia này lưu ý, các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện... cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung.