Có bảo lãnh ngân hàng, doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Bảo lãnh vốn là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật dân sự, còn bảo lãnh ngân hàng là một nghiệp vụ tín dụng lâu đời, truyền thống của các ngân hàng với các thủ tục, trình tự nghiêm ngặt quy định bởi Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 07/2015/TT-NHNN, được sửa đổi bởi Thông tư số 13/2017/TT-NHNN (sau đây gọi chung là Thông tư 07).
Ảnh minh họa |
Cam kết bảo lãnh do ngân hàng phát hành được thể hiện dưới hình thức Thư bảo lãnh hoặc Hợp đồng bảo lãnh. Khi chấp thuận bảo lãnh theo yêu cầu của khách hàng, ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với đối tác (bên nhận bảo lãnh). Bằng uy tín và khả năng tài chính của mình, các giao dịch có bảo lãnh của ngân hàng mang đến sự bảo đảm tuyệt đối cho nghĩa vụ của bên được bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh.
Tuy vậy, các doanh nghiệp không nên chủ quan bởi sự bảo đảm tuyệt đối này phải trong khuôn khổ cam kết bảo lãnh đó là xác thực và các bên đã tuân thủ các điều kiện nêu trong cam kết bảo lãnh mà ngân hàng đã phát hành theo yêu cầu của khách hàng và việc bạn tiếp nhận nó được coi như sự chấp thuận hoàn toàn của bạn về các nội dung nêu trong cam kết này. Vậy khi nhận được bảo đảm bằng một cam kết bảo lãnh ngân hàng, khách hàng cần lưu ý điều gì?
Thứ nhất, kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh. Kiểm tra bằng cách mà ngân hàng đã nêu rõ trên cam kết bảo lãnh mà bạn nhận được (các ngân hàng đa phần đều hướng dẫn kiểm tra bằng cách gọi điện thoại hoặc tra cứu trên website của chính ngân hàng phát hành). Trường hợp tìm mãi không thấy hướng dẫn kiểm tra, bạn có quyền không chấp nhận cam kết bảo lãnh này bởi đã không tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, cần làm việc ngay với đối tác (bên được bảo lãnh) để họ yêu cầu ngân hàng tu chỉnh hoặc phát hành cam kết bảo lãnh mới, đúng luật.
Thứ hai, soi kỹ phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh, số tiền bảo lãnh bởi ngân hàng sẽ chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu của bạn khi phát sinh sự kiện bảo lãnh trong phạm vi này.
Thứ ba, đặc biệt quan trọng đó là phải quan tâm tới điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Có thể mỗi trường hợp sẽ ghi các điều kiện khác nhau nhưng tựu chung cần quan tâm tới mấy vấn đề (1) Hồ sơ xuất trình yêu cầu là gì (2) Địa điểm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ở đâu (3) Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh là khi nào?
Lý do cần quan tâm tới các vấn đề này là bởi, nếu không đáp ứng một trong các điều kiện trên, ngân hàng sẽ buộc phải từ chối bạn theo quy định tại khoản 1 Điều 21 và khoản 7, Điều 27 Thông tư 07. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với Tập quán thương mại quốc tế, trong đó có Quy tắc URDG 758.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bị từ chối bảo lãnh do quên truy đòi đúng thời hạn hoặc hiểu sai hoàn toàn về thời hạn hiệu lực của bảo lãnh, hoặc do hồ sơ xuất trình không đúng quy định. Vậy nên: Hồ sơ phải chuẩn bị đủ, gửi đúng địa chỉ, và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh gửi tới ngân hàng phải trong thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh mà các thông tin này đều đã ghi rõ trên cam kết bảo lãnh mà bạn đang cầm.
Trong một số trường hợp, bạn và đối tác điều chỉnh Hợp đồng kinh tế, ví dụ gia hạn thời hạn thanh toán thì cần lập tức kiểm tra lại cam kết bảo lãnh. Nếu thời hạn cam kết bảo lãnh không còn phù hợp, yêu cầu đối tác phải làm việc với ngân hàng để tu chỉnh bảo lãnh ngay bởi ngân hàng sẽ không tự động cập nhật theo thời hạn này đâu. Theo Điều 23 Thông tư 07 thì nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng sẽ tự động chấm dứt khi hết thời hạn hiệu lực đã ghi trong cam kết bảo lãnh nên nếu phát sinh sự kiện vi phạm mà hết thời hạn cam kết bảo lãnh thì bạn cũng mất quyền truy đòi bảo lãnh.
Vậy nên, để không bị ngân hàng từ chối bảo lãnh, các doanh nghiệp mở và thụ hưởng bảo lãnh đều phải hiểu rõ về nội dung cam kết bảo lãnh và các điều kiện bảo lãnh. Nếu có nội dung gì chưa rõ ràng, phù hợp với hợp đồng, văn bản giao dịch thì phải trao đổi với cán bộ ngân hàng trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo lãnh hoặc tiếp nhận thư bảo lãnh từ đối tác.