Cơ hội cải cách thuế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh
Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được OECD khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua. Triển khai các hành động của BEPS, tháng 7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước G20 đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột, nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu - TTTTC). Trụ cột 1 là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số; Trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Quy tắc TTTTC là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm đóng thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường” thuế. Tuy nhiên, việc áp dụng quy tắc này có thể làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” do Bộ Tài chính vừa tổ chức.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó sẽ tăng thu ngân sách nhà nước. Còn trong trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng TTTTC. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của TTTTC khi được áp dụng từ năm 2024. Nếu các công ty mẹ đều ở quốc gia thực thi TTTTC thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Giải pháp nào cho Việt Nam
Tham luận tại hội thảo, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo dựng được môi trường đầu tư có những điểm riêng biệt hơn so với các quốc gia khác nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm cho các doanh nghiệp đang có mặt tại đây. Nhờ vậy, không chỉ Samsung mà nhiều doanh nghiệp khác có thể đồng hành cùng với Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh TTTTC đang được triển khai như hiện nay, chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI, mà còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam do các công ty đang được hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất TTTTC 15% tại quốc gia có công ty mẹ. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam - vốn đang có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
TTTTC là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh |
Ông Choi Joo Ho mong muốn Chính phủ và đặc biệt là Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, kịp thời và thấu đáo đưa ra các giải pháp tối ưu nhất để tạo ra vòng tuần hoàn tích cực cho nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI để duy trì đầu tư lâu dài và tăng đầu tư mới; duy trì nguồn thu từ thuế, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam...
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho rằng, giải pháp đặt ra là Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình TTTTC, theo đó ban hành chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về TTTTC để các doanh nghiệp này nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với TTTTC tại Việt Nam... Tuy nhiên, để hạn chế tác động tiêu cực của TTTTC đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về TTTTC, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư…
Sau khi phân tích tác động của dòng thuế này đối với kinh tế và đầu tư của Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm cho rằng, số doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng sẽ không nhiều, khoảng 70 đến 100 doanh nghiệp, vì vậy, Việt Nam nên áp dụng TTTTC này với những bước đi chủ động, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, và quan trọng hơn là chúng ta cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh. Đây mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững.
Cùng với đó, Bộ Tài chính/Tổ công tác sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, về kế toán phù hợp, cũng như phù hợp với quy định trong các Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi chính sách TTTTC này có hiệu lực (dự kiến từ đầu năm 2024).
Các chuyên gia khuyến nghị: Để bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp đối với 2 nhóm nhà đầu tư. Cụ thể, (1) đối với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam: có thể có hỗ trợ về tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân... và nên áp dụng mức độ khác nhau với nhóm nhà đầu tư, loại dự án khác nhau; (2) đối với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024, có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI.
Bên cạnh đó, cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp quy định pháp luật liên quan. Chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy cho nâng cao sức chống chịu và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời với đó là khẩn trương ưu tiên kiện toàn và nâng cao năng lực công tác quản lý thuế, công tác cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh...