Đà Nẵng tăng cường xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ưu tiên
Với sự kiện này, Đà Nẵng hy vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, du khách Đức chọn thành phố làm nơi đầu tư, kinh doanh, nghỉ dưỡng, làm cầu nối hỗ trợ Đà Nẵng kết nối với những nhà đầu tư, cộng đồng Châu Âu…
Ông Ricardo Benussi, đại diện công ty Dezan Shira & Associates cho biết, các doanh nghiệp Đức đánh giá cao môi trường đầu tư của Đà Nẵng với những lợi thế cạnh tranh về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền. Hiện quy mô đô thị và hạ tầng công nghiệp của Đà Nẵng phù hợp cho thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, du lịch.
Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng và Cơ quan Phát triển kinh tế Bang Bremen. |
Còn ông Kolja Umland, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN và Việt Nam, Cơ quan Phát triển kinh tế bang Bremen cho rằng, với những thế mạnh sẵn có, Đà Nẵng là điểm đến đầy tiềm năng của các doanh nghiệp bang Bremen.
Tương tự, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam cũng khẳng định, Đà Nẵng có những ưu thế, phù hợp với các doanh nghiệp châu Âu nói chung và CHLB Đức nói riêng.
Là thành phố biển có thế mạnh về điều kiện thiên nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng du lịch đẳng cấp quốc tế, Đà Nẵng tập trung phát triển mời gọi các sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, du lịch sinh thái với chất lượng cao dành cho thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, ông Stefan Baumert, Tổng Giám đốc điều hành TUI - một trong những tập đoàn có thế mạnh về du lịch, hàng không của CHLB Đức - cho rằng hiện đối với khách du lịch châu Âu, thị trường miền Trung Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và ít tour lữ hành biết đến hơn so với các thị trường tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Mặc dù vậy, với thế mạnh về du lịch biển, hạ tầng sân bay được đầu tư hiện đại, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển, thu hút sự quan tâm của các khách du lịch châu Âu.
Chính vì thế trong thời gian tới, TUI sẽ làm việc, kết nối với các cơ quan có liên quan của Đà Nẵng để cùng nhau xây dựng giải pháp, chiến lược quảng bá điểm đến Đà Nẵng với mục tiêu gia tăng thị phần khách châu Âu tại thành phố. Bên cạnh đó, TUI sẽ nghiên cứu đề xuất khai thác các chuyến bay trực tiếp từ các thị trường Bắc Âu đến Đà Nẵng trong thời gian tới.
Về phía chính quyền bang Bremen, bà Kristina Vogt, Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và châu Âu bang Bremen cho rằng, dư địa phát triển quan hệ giữa Bremen và Đà Nẵng rất lớn. Đặc biệt, trong các lĩnh vực bang Bremen có tiềm năng và thế mạnh như thương mại, công nghiệp, tự động hóa, vận tải biển, logistics và khai thác kinh tế biển, công nghiệp hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm thủy hải sản, đông lạnh và đồ uống…
Ngoài ra, Bremen có thế mạnh về kinh tế biển với đội ngũ nhân lực hơn 40.000 người làm việc cho 1.300 công ty, vận chuyển 1,5 triệu tấn hàng mỗi năm, có thương cảng container lớn thứ 2 của Đức và thứ 4 ở châu Âu. Cùng với đó, nơi đây cũng có ngành công nghiệp xe hơi phát triển. Như vậy, Bremen có nhiều lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác với Đà Nẵng, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hai địa phương trong thời gian tới.
Ông Vũ Quang Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CHLB Đức đánh giá cao việc Đà Nẵng tổ chức các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư tại CHLB Đức ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Theo ông Minh, việc ký kết văn kiện ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng và bang Bremen sẽ tạo nền tảng quan trọng cho sự hợp tác sâu rộng trong phát triển kinh tế và là cơ sở để phát triển trên nhiều lĩnh vực. Với góc độ là cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức sẽ hỗ trợ tối đa cho việc thực hiện Bản ghi nhớ đạt hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Đức tìm hiểu, triển khai dự án tại Đà Nẵng.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư nước ngoài thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; dịch vụ, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Đặc biệt, thành phố sẽ triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh, mô hình Chính quyền đô thị, Đồ án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045... Đây sẽ là chìa khoá mở ra các cơ hội phát triển hơn nữa cho Đà Nẵng thời gian tới.
“Đà Nẵng xác định các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ châu Âu nói chung và CHLB Đức là những đối tác trọng điểm. Thành phố cam kết tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và đồng hành cùng các doanh nghiệp Đức triển khai thành công các dự án tại Đà Nẵng”, ông Triết khẳng định.