Đà phục hồi kinh tế đang tốt hơn
Tối ưu hóa các nguồn tài lực phát triển kinh tế Đầu tư cổ phiếu: Cần quan tâm chất lượng và triển vọng của doanh nghiệp |
Trở lại mức tăng trưởng tiềm năng
“Nền kinh tế đang phục hồi” là nhận định được bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB đưa ra khi số liệu nửa đầu năm 2024 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã tăng tốc, với GDP tăng trưởng 6,4% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thương mại cải thiện, xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến phục hồi tích cực; đầu tư và tiêu dùng trong nước từng bước phục hồi… kéo theo tăng trưởng tín dụng cải thiện hơn. Cùng với đó, xuất siêu lớn hơn giúp tài khoản vãng lai đạt thặng dư; tài khoản tài chính cũng thặng dư nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tích cực và cho thấy nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tiếp tục dịch chuyển…
Mặc dù đà phục hồi đang tốt hơn, song các chuyên gia WB cũng chỉ ra nhiều dữ liệu cả về tiêu dùng và đầu tư đều cho thấy, mức độ vẫn thấp hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid. Đơn cử về chi tiêu tiêu dùng, doanh số bán lẻ tăng 8,8% trong nửa đầu năm 2024 (tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định kể từ cuối năm 2022) nhưng vẫn thấp hơn bình quân ghi nhận trước đại dịch (tăng 11,6%). Hay tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân dù có cải thiện trong nửa đầu năm 2024 (tăng 3,9%), song vẫn thấp hơn mức bình quân hàng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017- 2019.
Lý giải việc tăng trưởng tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn, bà Dorsati Madani cho rằng, nguyên nhân chính là do niềm tin của người tiêu dùng vào tăng trưởng còn thấp (thể hiện ở việc người dân vẫn chỉ chi tiêu cho những hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các dịch vụ y tế, giáo dục, trong khi dè dặt hơn trong chi tiêu vào những hàng hóa lâu bền, cần nhiều tiền hơn như xe hơi, các thiết bị gia dụng đắt tiền hay đầu tư nâng cấp nhà cửa…). Bên cạnh đó, tốc độ tăng thu nhập thực cũng khiêm tốn hơn (chỉ tăng 2,7%/năm kể từ năm 2022, trong khi trước dịch Covid tăng khoảng 8,4%/năm), nên cũng tác động tới mức tăng trưởng tiêu dùng.
Nhìn vào triển vọng thời gian tới, các chuyên gia kỳ vọng thương mại sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong khi thị trường bất động sản sẽ xoay chiều vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025, sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tác động tích cực từ Luật Đất đai sửa đổi (cùng các luật liên quan khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở) có hiệu lực từ tháng 8/2024. “Trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trong nước sẽ tăng lên từ nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện, với tăng trưởng theo giá so sánh của tổng đầu tư và tổng tiêu dùng của tư nhân dự kiến đạt lần lượt 5,8% và 5,6% trong năm 2024”, bà Dorsati Madani nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia WB cũng dự báo, sau khi đã phục hồi rất mạnh trong nửa đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu trên toàn cầu, nhất là tại Hoa Kỳ sẽ chậm lại. Với các giả định như trên, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, sau đó sẽ tăng tốc lên mức 6,5% trong các năm 2025 - 2026.
Kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi |
Hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng
Các chuyên gia WB đánh giá triển vọng trên có cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng. Theo đó, vẫn có những rủi ro theo hướng tiêu cực cả từ bên ngoài và trong nước. “Một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Trung Quốc. Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng”, bà Dorsati Madani cho biết. Cũng theo chuyên gia này, đối với trong nước, nếu thị trường bất động sản hồi phục lâu hơn dự kiến, có thể tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng sẽ suy giảm. Ngoài ra, là một trong những quốc gia có nguy cơ dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu trên thế giới, thiên tai liên quan đến khí hậu ngày một gia tăng cũng có thể là một rủi ro tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Ở chiều ngược lại, nếu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cao hơn dự kiến có thể thúc đẩy phục hồi bền vững cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn tại các nền kinh tế phát triển lớn (đã được bắt đầu tại NHTW châu Âu và NHTW Anh; trong khi Fed đang có tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9…), có thể tiếp tục thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu và thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND/USD, từ đó đem lại tác động tích cực lan tỏa cho ngành Ngân hàng và khu vực tài chính ở Việt Nam.
Theo ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, trong nửa đầu năm nay kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. “Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính”, ông Sebastian Eckardt nhận định.
Trong điều kiện nền kinh tế chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch, các chuyên gia WB cho rằng, giải ngân đầu tư công nếu được đẩy nhanh vừa có thể hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh. Tính toán của chuyên gia WB, tăng đầu tư công thêm 1% có thể giúp cho GDP tăng thêm 0,1%. Nhận định mức tăng trưởng GDP 6,1% mà WB dự báo cho năm nay vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra, song ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng như vậy “là khá ổn” và giúp Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong khu vực, trước khi dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc năm 2025 ở mức 6,5% và sẽ duy trì ở mức đó vào năm 2026.
“Mặc dù triển vọng là khả quan, tích cực nhưng chúng ta cũng thấy rằng, để có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao, bền vững trong trung hạn và dài hạn thì điểm rất quan trọng là phải tăng cường quản lý đầu tư công, đặc biệt là đối với hạ tầng ngành giao thông vận tải và năng lượng - xương sống có vai trò rất là quan trọng để thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước. Đồng thời, phải có một gói đầy đủ về cải cách cơ cấu để giúp Việt Nam để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng một cách chất lượng”, ông Andrea Coppola lưu ý.