Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/7 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/7 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 16/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.245 VND/USD, không thay đổi so với phiên trước đó.
Sở giao dịch NHNN giữ nguyên giá mua - bán USD lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.380 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên 15/07.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm mạnh 90 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.620 VND/USD và 25.690 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 16/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đi ngang ở kỳ hạn qua đêm trong khi tăng 0,01 - 0,05 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 4,50%; 1 tuần 4,65%; 2 tuần 4,77% và 1 tháng 4,97%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm, tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần, đi ngang ở kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 5,30%; 1 tuần 5,36%; 2 tuần 5,40%, 1 tháng 5,43%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp phân hóa nhẹ ở các kỳ hạn khác nhau; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,91%; 5 năm 1,98%; 7 năm 2,29%; 10 năm 2,79%; 15 năm 2,95%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 9.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,50%. Có 8.895,66 tỷ đồng trúng thầu, có 9.999,99 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 11.200 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,50%, có 19.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 6.695,67 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 94.300 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 42.447,85 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số tiếp tục giao dịch thận trọng trong biên độ hẹp. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 1,36 điểm (+0,11%), lên mức 1.281,18 điểm; HNX-Index nhích 0,07 điểm (+0,03%) lên 244,91 điểm; UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,35%) lên 98,26 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt khoảng 18.575 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng nhẹ 236 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Báo cáo cập nhật thị trường quý II/2024 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam VBMA, trong quý II/2024 có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với trị giá 2.500 tỷ đồng (chiếm 2,7% tổng giá trị phát hành) và 84 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 88.719 tỷ đồng (chiếm 97,3%).
Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành thuộc nhóm ngân hàng, chiếm 75% tổng giá trị phát hành. 78% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý II/2024 có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, kỳ hạn phát hành bình quân là 3,66 năm; lãi suất phát hành bình quân là 6,62%/năm. Trong quý II/2024, gần 67.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán.
Tin quốc tế
Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết động lực trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát đang chậm lại, điều này có thể trì hoãn thêm việc nới lỏng lãi suất và tiếp tục gây áp lực mạnh lên tỷ giá đối với các nền kinh tế đang phát triển. IMF dự báo tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu năm 2024 không thay đổi so với dự báo tháng 4 ở mức 3,2% và nâng dự báo năm 2025 thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,3%.
IMF dự báo GDP năm 2024 của Mỹ đạt 2,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong báo cáo tháng Tư, khi mức tăng trưởng quý đầu năm nước này chậm hơn dự kiến; GDP năm 2025 không thay đổi ở mức 1,9%. GDP Eurozone được dự báo đạt 0,9% năm 2024, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó; đạt 1,5% năm 2025, không thay đổi. GDP Trung Quốc được dự báo lần lượt tăng 5,0% và 4,5% ở các năm 2024 và 2025, đều giữ nguyên so với dự báo trong báo cáo tháng Tư.
Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết doanh số bán lẻ lõi tại quốc gia này tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng Sáu sau khi tăng 0,1% so với tháng trước ở tháng Năm, vượt qua dự báo chỉ tăng nhẹ 0,1% của các chuyên gia.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ toàn phần đi ngang trong tháng vừa qua sau khi tăng 0,3% ở tháng Năm, trái với dự báo suy giảm 0,3%. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng 2,28% trong tháng Sáu, giảm tốc từ mức tăng 2,59% của tháng trước đó.
Tổ chức ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại Eurozone chỉ đạt mức 43,7 điểm trong tháng Bảy, giảm mạnh từ mức 51,3 điểm của tháng Sáu và đồng thời xuống sâu hơn mức 48,1 điểm theo dự báo. Đây là mức niềm tin thấp nhất tại khu vực này trong vòng 4 tháng trở lại đây, tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với mức trung tính (0 điểm).