Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/8
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 19-23/8 WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam dần cải thiện về mức tiềm năng |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 26/8, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.254 VND/USD, tăng 4 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết giá mua - bán USD lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.873 VND/USD, giảm mạnh tới 104 đồng so với phiên 23/8.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do không thay đổi ở chiều mua vào trong khi tăng 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.200 VND/USD và 25.300 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 26/8, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,02 - 0,07 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 4,53%; 1 tuần 4,62%; 2 tuần 4,68% và 1 tháng 4,77%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 5,31%; 1 tuần 5,35%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,43%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp biến động trái chiều; chốt phiên với: 3 năm 1,90%; 5 năm 1,96%; 7 năm 2,23%; 10 năm 2,71%; 15 năm 2,90%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 6.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 5.980,59 tỷ đồng trúng thầu, có 4.944,53 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 8.100 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 9.136,06 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 39.483,55 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường còn ở mức 38.699,7 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các cổ phiếu trụ bị bán mạnh, các chỉ số chốt phiên dưới mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,30 điểm (-0,41%), về mức 1.280,02 điểm; HNX-Index mất 1,10 điểm (-0,46%) còn 238,97 điểm; UPCoM-Index rớt 0,25 điểm (-0,26%) xuống 94,16 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt gần 19.900 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 460 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong Báo cáo “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong hai năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023, cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Trước đó, tại báo cáo hồi tháng 4/2024, WB đã dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.
Tin quốc tế
Văn phòng Thống kê Mỹ công bố giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần tại nước này tăng mạnh lên mức 289,6 tỷ USD trong tháng 7, tương đương tăng 9,9% so với tháng trước sau khi giảm mạnh 6,7% ở tháng trước đó, vượt nhiều so với kỳ vọng chỉ tăng 4,0%. Nguyên nhân chính đến từ đơn đặt hàng thiết bị vận tải tăng 34,8% so với tháng trước lên 102,2 tỷ USD. Loại trừ lĩnh vực vận tải, giá trị đơn đặt hàng hóa lâu bên lõi ghi nhận giảm nhẹ 0,2% trong tháng 7 sau khi tăng 0,4% ở tháng 6, trái với dự báo đi ngang của các chuyên gia (0,0% m/m).
Hãng Ifo khảo sát cho biết chỉ số môi trường kinh doanh tại nước Đức ở mức 86,6 điểm trong tháng 8, giảm nhẹ từ mức 87,0 điểm của tháng trước, cao hơn mức 86,0 điểm theo dự báo.