Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 19-23/10
Tổng quan:
Nước Anh đã chính thức rời Liên minh Châu Âu EU kể từ 31/01/2020, tuy nhiên, cả hai bên đều cần một "Giai đoạn chuyển tiếp" khi các thỏa thuận khó khăn nhất vẫn chưa đạt được và điều này được kỳ vọng kết thúc vào ngày 31/12/2020.
Kể từ khi thành lập với 6 thành viên năm 1973, đây là lần đầu tiên Liên minh Châu Âu mất đi 1 thành viên của mình. Từ ngày 01/01/2021, Vương quốc Anh sẽ rời khỏi Liên minh Thuế quan và Thị trường chung Châu Âu EU để thực hiện chính sách thương mại độc lập, với những thay đổi lớn cho các thỏa thuận thương mại giữa Anh và lục địa. Sau Brexit, Vương quốc Anh tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do với sự độc lập tối đa với các quy tắc của EU. Về phần mình, EU muốn bảo vệ tính toàn vẹn của các dự án của mình và đảm bảo Vương quốc Anh không có lợi thế cạnh tranh không công bằng trong tương lai.
Giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit bế tắc khiến hầu hết các thỏa thuận từ việc trở thành thành viên EU của Vương quốc Anh vẫn được duy trì cho đến khi hết hạn vào cuối năm 2020. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 3/2020 bao gồm thương mại hàng hóa, cùng với nhiều lĩnh vực khác bao gồm dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng, hàng không, hợp tác an ninh, chính sách dữ liệu, giáo dục và khoa học. Một thỏa thuận cần sẵn sàng có hiệu lực khi giai đoạn chuyển tiếp hết hạn vào cuối tháng 12. Trên thực tế, một thỏa thuận cần được thực hiện sớm hơn để có thời gian cho quá trình phê chuẩn và cả hai bên đều sẵn sàng. Nhiều tháng đàm phán đã mang lại tiến độ chậm chạp và không có đột phá về các vấn đề chính: cạnh tranh, nghề cá và quản trị (cơ chế giải quyết tranh chấp và thực thi), các quy tắc về quyền tự do đi lại (một quyền có điều kiện không phải tuyệt đối của công dân EU để chuyển đến các EU khác quốc gia sinh sống và làm việc), du lịch xuyên biên giới và các quyền cá nhân. Sự kết thúc của giai đoạn chuyển tiếp sẽ mang lại những thay đổi đáng kể bất kể có đạt được thỏa thuận về các mối quan hệ trong tương lai hay không.
Đến ngày 01/01/2021, Vương quốc Anh sẽ không còn là một phần của Liên minh Thuế quan và Thị trường chung EU, và sẽ tự do thực hiện các thỏa thuận thương mại với các nước thứ ba. Giữa EU và Vương quốc Anh, các thủ tục hải quan mới và các biện pháp kiểm soát quản lý sẽ được áp dụng. EU đã nhấn mạnh rằng những điều này sẽ mang lại nhiều rào cản hơn và thời gian giao hàng lâu hơn. Công dân EU sẽ không còn quyền chuyển đến Vương quốc Anh để làm việc và định cư, và ngược lại, đồng thời sẽ có những hạn chế mới liên quan đến việc đi lại. Vương quốc Anh dự định áp dụng chính sách nhập cư mới từ tháng 1/2021. Công dân EU sẽ không còn được đối xử ưu đãi, theo hệ thống tính điểm theo kế hoạch để thu hút lao động có tay nghề cao. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sau hội nghị thượng đỉnh EU không có kết quả vào ngày 15/10 rằng Anh hiện đang chuẩn bị cho việc không có thỏa thuận trừ khi có sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận từ EU. Tuy nhiên, giọng điệu sau đó chuyển sang hòa giải hơn: các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục và đại diện EU đã nói rằng một thỏa thuận là "trong tầm tay" nếu cả hai bên thỏa hiệp.
Nếu không có thỏa thuận, EU và Anh sẽ giao dịch theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, bao gồm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Mỗi thành viên phải cấp quyền tiếp cận thị trường như nhau cho tất cả các thành viên khác - ngoại trừ các nước đang phát triển và các nước có hiệp định thương mại tự do. Có thể thấy, việc Anh rời khỏi các khối thương mại EU sẽ trở nên trầm trọng hơn khi không có một thỏa thuận thương mại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của Vương quốc Anh cũng như kinh tế của các nước tại lục địa và Cộng hòa Ireland. Các vấn đề quan trọng khác như hợp tác về an ninh và chống khủng bố, giáo dục và khoa học có nguy cơ bị bỏ ngỏ nếu không đạt được thỏa thuận chi tiết về quan hệ EU - Anh trong tương lai. Việc này diễn ra trong bối cảnh đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ Thế chiến II, vốn cần thiết hơn bao giờ hết sự hợp tác quốc tế và hành động để giảm bớt các hậu quả thảm khốc và tránh làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn.
Tóm lược thị trường trong nước từ 19/10 - 23/10
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 19/10 - 23/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm 4 phiên đầu tuần và tăng nhẹ trở lại phiên cuối tuần. Chốt phiên 23/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.185 VND/USD, giảm mạnh 16 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.175 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.831 VND/USD.
Tỷ giá LNH tăng – giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt phiên 23/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.177 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua biến động nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 23/10, tỷ giá tự do giảm trở lại 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.190 – 23.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 19/10 - 23/10, lãi suất VND LNH ít biến động ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần. Chốt phiên 23/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,14% (không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,20% (+0,02 đpt); 2W 0,25% (+0,01 đpt); 1M 0,38% (+0,01 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH chỉ biến động nhẹ qua các phiên trong tuần qua, chốt tuần không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, đứng ở mức ON 0,16; 1W 0,20%; 2W 0,27% và 1M 0,36%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 19/10 - 23/10, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần qua.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN huy động thành công 6.184/9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 69%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 3.250/4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 600/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.334/1.500 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 1,22%/năm (-0,13%); kỳ hạn 15 năm tại 2,74%/năm (+0,04%); kỳ hạn 20 năm giữ nguyên tại 3,02%/năm và kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 3,25%/năm. Trong tuần qua có 10.796 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 26/10 - 30/10, KBNN dự kiến gọi thầu 8.000 tỷ đồng (chưa bao gồm khối lượng gọi thầu bổ sung). Trong tuần này, lượng TPCP đáo hạn là 2.300 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.814 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 10.681 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 23/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,18% (0 đpt); 2 năm 0,32% (+0,01 đpt); 3 năm 0,37% (-0,01 đpt); 5 năm 1,23% (+0,03đpt); 7 năm 1,47% (0 đpt); 10 năm 2,57% (+0,02 đpt); 15 năm 2,76% (+0,03 đpt); 30 năm 3,25% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần 19/10 - 23/10 tăng tích cực ở cả 3 chỉ số. Kết thúc phiên cuối tuần 23/10, VN-Index đạt 961,26 điểm, tăng mạnh 17,96 điểm (+1,90%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,88 điểm (+1,34%), lên mức 141,70 điểm; UPCOM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,09%) lên mức 63,91 điểm.
Thanh khoản thị trường tuy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch đạt trên 9.100 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Gói hỗ trợ tiếp theo của Mỹ vẫn chưa đưọc kích hoạt nhưng có những tín hiệu tích cực hơn. Trong tuần vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Bộ Trưởng bộ Tài chính Steven Mnuchin đã tiến hành thảo luận về gói hỗ trợ kinh tế bằng tài khóa tiếp theo. Về cơ bản, các mục hỗ trợ của lưỡng Đảng Mỹ là khá tương đồng. Hai đảng đồng thuận thúc đẩy phúc lợi cho hơn 25 triệu người Mỹ dưới hình thức viện trợ thất nghiệp, hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn. Điểm khác biệt lớn nhất là giá trị của cả gói hỗ trợ, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho rằng cứu trợ lớn sẽ gây bất lợi cho chính quyền do tăng thâm hụt ngân sách. Sau cuộc thảo luận, Đảng Cộng hòa đề nghị tăng giá trị gói hỗ trợ lên 1.900 tỷ USD, cao hơn so với mức 1.800 tỷ mà Đảng này đề xuất trước đây, nhằm tiếp cận với mức 2.200 tỷ USD mà Đảng Dân chủ nhắm tới. Tuy nhiên, mức đề nghị này vẫn chưa nhận được sự đồng ý của các nghị sỹ đảng Dân chủ. Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích Đảng Dân chủ không tích cực trong việc thỏa thuận về gói kích thích kinh tế, tuy nhiên bà Pelosi cho rằng cả hai bên đều nghiêm túc trong việc tìm kiếm một thỏa hiệp.
Mỹ đón một số thông tin kinh tế tích cực. Đầu tiên về thị trường xây dựng và bất động sản, số lượng cấp phép xây dựng tại nước này trong tháng 9 đạt 1,55 triệu đơn, tăng mạnh so với mức 1,48 triệu của tháng 8, đồng thời vượt qua dự báo ở mức 1,52 triệu. Số nhà khởi công tại Mỹ đạt mức 1,42 triệu căn trong tháng vừa qua, bằng với con số đã ghi nhận ở tháng 8 và thấp hơn một chút so với kỳ vọng ở mức 1,45 triệu căn. Doanh số bán nhà mới tại Mỹ cũng ở mức 6,54 triệu căn trong tháng 9, cao hơn so với 5,98 triệu căn của tháng 8 và vượt qua kỳ vọng đạt 6,2 triệu căn. Tiếp theo, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ ở mức 787 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 17/10, giảm mạnh từ mức 898 nghìn đơn của tuần trước đó và đồng thời tích cực hơn so với mức 860 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ ở mức 53,3 điểm trong tháng 10, không thay đổi nhiều so với mức 53,2 điểm của tháng 9 và gần với mức 53,5 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ tháng này ở mức 56,0 điểm, tăng so với 54,6 điểm của tháng 9 và cao hơn mức 54,7 điểm theo dự báo.
Anh và Nhật ký kết FTA, riêng nước Anh đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Cụ thể, ngày 23/10, Anh chính thức ký với Nhật Bản thỏa thuận thương mại tự do song phương giai đoạn sau khi Anh rời Liên minh châu Âu EU. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, giúp duy trì tính liên tục trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa Anh và Nhật Bản sau khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc cuối năm nay. Hiện Anh đang hướng đến các FTA khác với Mỹ, Australia, New Zealand và cả thỏa thuận thương mại với EU hậu Brexit. Liên quan đến thông tin kinh tế Anh, CPI tại nước này tăng 0,5% y/y trong tháng 9, cao hơn mức tăng 0,2% của tháng 8 và vượt qua kỳ vọng tăng ở mức 0,4%. Bên cạnh đó, CPI lõi tăng 1,3% y/y trong tháng vừa qua, cao hơn mức 0,9% của tháng 8 và khớp với dự báo của các chuyên gia. Doanh số bán lẻ tại Anh tăng 1,5% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,9% của tháng 8 và trái với dự báo đi ngang (0,0% m/m). Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất tại Anh ở mức 53,3 điểm trong tháng 10, giảm từ 54,4 điểm của tháng 9 và sát dự báo ở mức 53,2 điểm. PMI lĩnh vực dịch vụ trong tháng 10 chỉ còn 52,3 điểm, giảm từ mức 56,1 điểm của tháng 9 và xuống sâu hơn mức 53,4 điểm theo dự báo.