Diễn biến lạm phát 6 tháng cuối năm: Dự báo và đề xuất
Chuyên gia: Lạm phát năm 2023 tăng khoảng 3,5%, thấp hơn so với mục tiêu Lạm phát tăng thấp, thêm dư địa phục hồi tăng trưởng |
Vẫn lo nhập khẩu lạm phát
Nhiều dự báo cho thấy giá cả trong nước có thể tăng 6 tháng cuối năm và cần các giải pháp để vừa kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô trong khi tăng đóng góp của các động lực trong nước, trong đó có tiêu dùng cho tăng trưởng năm nay.
Các dự báo gần đây của chuyên gia đều nhận định lạm phát cả năm nay sẽ dưới mức mục tiêu 4,5% đặt ra, song hầu hết đều cho rằng giá cả sẽ có sự nhích nhẹ trong nửa cuối năm, với các nhân tố ảnh hưởng đến từ cả bên ngoài và trong nước.
Với bên ngoài, cùng với nền tảng triển vọng chung của kinh tế toàn cầu (tăng trưởng kinh tế; tốc độ giảm của lạm phát nhanh hay chậm…) thì yếu tố được các chuyên gia đặc biệt quan tâm là diễn biến thực tế của giá dầu và các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản khác sẽ thế nào?
Cho đến nay, giá dầu biến động trong biên độ không lớn và mặt bằng giá ở mức thấp hơn đáng kể so với năm 2022. nhiều dự báo đều nhận định giá dầu thô WTI sẽ chỉ quanh mức 70-80 USD/thùng đến cuối năm; trong khi giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào sản xuất khác sau khi tăng vào đầu năm (chủ yếu do lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc mở cửa sau đại dịch) nay đã giảm trở lại.
Các chuyên gia dự báo về cơ bản giá dầu sẽ giữ xu hướng ở mức thấp hơn trong những tháng tới.
Mặc dù vậy, thực tế là đến nay giá các hàng hóa nguyên nhiên vật liệu vẫn cao hơn mức trung bình giai đoạn 2015-2019, và chưa thể khẳng định chắc chắn về tính ổn định trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định như hiện nay.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, dù giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới thấp hơn năm 2022, nhưng đang ở mức cao và Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm, từ đó có thể đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính nhận định: “Việt Nam là quốc gia có độ mở hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hiện chiếm tới 37% cho nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào vẫn rất lớn”.
Vì vậy, dù kỳ vọng xu thế những tháng cuối năm vẫn theo xu hướng tích cực vừa qua, song chuyên gia này cũng không loại trừ vẫn có những cú sốc, gián đoạn về nguồn cung vẫn có thể xảy ra và qua đó có thể làm tăng giá hàng hóa.
Cần kiểm soát tốt thị trường, tránh việc tăng giá ăn theo tăng lương |
Một yếu tố thuận lợi khác là việc các NHTW giảm mức thắt chặt chính sách tiền tệ (điển hình là Fed với các lần tăng lãi suất thấp hơn trước khi tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 vừa qua). Điều đó khiến áp lực tăng giá của đồng USD giảm xuống, góp phần tạo dư địa thuận lợi hơn cho NHNN trong điều hành cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, nhất là xu hướng giảm nhanh lãi suất điều hành trong thời gian vừa qua.
Mặc dù kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục song các chuyên gia cũng lưu ý đến thực tế lạm phát cơ bản trong nước còn cao trong 6 tháng đầu năm và khả năng tiếp tục tăng lãi suất của các NHTW lớn như Fed vẫn hiện hữu, theo đó các áp lực như về tỷ giá vẫn không thể loại trừ.
Nên không phải ngẫu nhiên bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, đã cảnh báo: “Việc tiếp tục nới lỏng và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần cẩn trọng vì có thể sẽ kém hiệu quả và rủi ro hơn trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn có khả năng duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, và có thể gây áp lực lên tỷ giá”.
Kìm giữ lạm phát cơ bản vẫn rất quan trọng
Các chuyên gia cho rằng, áp lực giá cả tăng trong 6 tháng cuối năm chủ yếu đến từ các yếu tố trong nước. Theo bà Nguyễn Thu Oanh, thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố các chi phí thực hiện vào giá (như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện tiếp tục tăng…) có thể sẽ tác động mạnh tới CPI.
Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết; chưa kể các yếu tố thiên tai, dịch bệnh… có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác có thể thúc đẩy sức cầu tăng như việc tăng lương kể từ ngày 1/7; thuế VAT giảm 2%; giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng tăng mạnh những tháng tới… cũng dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm. Mặc dù tác động trực tiếp lên giá cả từ các yếu tố này không lớn, song lo ngại đặt ra là xuất hiện các hành vi “đục nước béo cò” và tâm lý ăn theo.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường để đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả, tránh lạm phát kỳ vọng, các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý và đặc biệt là tình trạng “té nước theo mưa”, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Lưu ý lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022 (là mức cao nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2014 - 2023), các chuyên gia cũng khuyến nghị, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính tiền tệ để điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng VND, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI bình quân.
“Điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh”, TS. Hà Thị Đoan Trang, Học viện Tài chính nhận định và cho rằng, thời gian tới, NHNN nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá; tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng nhưng cần hướng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.