Diễn đàn “Việc làm số cho công nhân”
Tương lai việc làm trong nền kinh tế số |
Nằm trong khuôn khổ hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE), diễn đàn và chương trình “Cơ hội mới” được tổ chức với mục đích hỗ trợ nguồn nhân lực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thông qua các khóa đào tạo kỹ năng số, người lao động, đặc biệt là đối tượng công nhân thất nghiệp hoặc muốn chuyển đổi nghề nghiệp hậu đại dịch COVID-19, sẽ được cung cấp những kiến thức phù hợp, đáp ứng nhu cầu công việc cùng cơ hội việc làm sau khi hoàn thành khóa đào tạo.
Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, việc đào tạo các kỹ năng số, bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc... kết hợp với Chương trình “Cơ hội mới” kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu công việc, giúp công nhân tiếp cận và sử dụng công nghệ số thành thạo. Từ đó, người công nhân có thêm những cơ hội nhận được những công việc phù hợp và thăng tiến trong sự nghiệp.
“Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái và tính chất công việc không ngừng thay đổi”, ông Vũ Quốc Huy nhấn mạnh.
Tại sự kiện, đại diện các bộ, ban, ngành cùng các đơn vị trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều góc nhìn đa chiều về thực trạng việc làm và tương lai và thị trường lao động Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, nhiều đề xuất giải pháp đã được đưa ra cho công nhân thất nghiệp, hay những người mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp trên cơ sở tiếp cận, học hỏi, nắm bắt và sử dụng công nghệ trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Đặc biệt tại phiên thảo luận “Cơ hội mới cho công nhân”, các diễn giả cho rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra không ít thách thức đối với việc làm của người lao động trong nhiều ngành nghề song cũng có công việc mới được tạo ra nhưng đòi hỏi người lao động cần hiểu biết và thành thạo về kỹ thuật số. Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã đưa ra những đề xuất giải pháp thiết thực cho công nhân thất nghiệp, mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp và tiếp cận công nghệ mới để “bắt kịp, tiến cùng, và vượt lên” trong quá trình chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia việc làm của Ngân hàng thế giới (WB), cho rằng nhiều kỹ năng công nghệ của người lao động tại Việt Nam đang thấp hơn mức trung bình toàn cầu trong khi các công việc yêu cầu sử dụng máy tính, công nghệ ngày càng cao hơn. Một trong những khuyến nghị được chuyên gia này đưa ra là Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận thông tin về các ngành nghề đang phát triển cho sinh viên, người tìm việc; cập nhật danh sách các ngành nghề đang phát triển; theo dõi xu hướng thị trường, khảo sát doanh nghiệp… để đảm bảo điều chỉnh kịp thời các chiến lược hình thành kỹ năng và dịch vụ hỗ trợ việc làm.