Điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ: Bớt rủi ro hay giảm hấp lực?
Thị trường đang hồi phục | |
PNJ, VPB và VRE được thêm vào rổ chỉ số VN30 |
Vừa qua dư luận thị trường đang rất quan tâm đến việc Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ban đầu tối thiểu cho các sản phẩm Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 từ mức 10% lên 13% và áp dụng từ 18/7/2018. Dự kiến các CTCK cũng đã rà soát và sẽ điều chỉnh mức ký qũy ở mức mới.
Ảnh minh họa |
Lý giải cơ sở điều chỉnh mức tăng này, ông Dương Văn Thanh - Tổng giám đốc VSD (đơn vị chịu trách nhiệm vận hành và quản lý rủi ro hệ thống bù trừ thanh toán phái sinh) cho biết, hiện đơn vị này đang áp dụng tỷ lệ ký quỹ ban đầu tối thiểu cho các sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 là 10%. Mức ký quỹ ban đầu này được VSD xác định dựa trên phương pháp định lượng giá trị rủi ro biến động của bộ dữ liệu chỉ số VN30 được thu thập từ thời điểm giới thiệu chỉ số cho đến thời điểm tính toán và áp dụng từ thời điểm khai trương thị trường CKPS (ngày 10/8/2017) đến nay.
Thực tế qua gần 1 năm thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động cho thấy, tỷ lệ ký quỹ tối thiểu ban đầu 10% đang được VSD áp dụng hiện nay khá hợp lý, giúp phòng ngừa rủi ro trong trường hợp nhà đầu tư (NĐT), thành viên bù trừ (TVBT) mất khả năng thanh toán, đồng thời có tác dụng hỗ trợ sự phát triển của thị trường trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua VSD nhận thấy, thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh có những phiên biến động mạnh.
Do những biến động này của chỉ số VN30, kết quả tính toán về tỷ lệ ký quỹ ban đầu theo phương pháp luận của VSD tính đến ngày 6/7/2018 cho thấy, biên độ dao động tỷ lệ ký quỹ ban đầu của kỳ quan sát 252 ngày gần nhất nằm từ 11,2% đến 14,5%. Biên dao động này có sự gia tăng đáng kể so với thời điểm ban đầu mở cửa thị trường là từ 4,4-13,6%.
Theo đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, nâng cao khả năng phòng ngừa và xử lý rủi ro mất khả năng thanh toán của NĐT, TVBT khi thị trường tiếp tục có những biến động mạnh như giai đoạn vừa qua, VSD đã trình UBCKNN chấp thuận cho điều chỉnh tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với HĐTL chỉ số VN30 từ mức 10% như hiện nay lên 13% (mức tăng 30%). Mức tăng này cũng không quá cao để gây áp lực nộp bổ sung ký quỹ cho các NĐT khi chính thức đưa vào áp dụng, đồng thời tránh ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường.
Nhận định về quyết định này, chuyên gia phân tích của một quỹ đầu tư cho biết, hầu như không tác động gì. “Lâu nay UBCK áp dụng tỷ lệ này 10% nghĩa là NĐT muốn mua hoặc bán hợp đồng 100 triệu đồng thì họ chỉ phải bỏ 10 triệu ký quỹ. Tuy nhiên trên thực tế, các CTCK đều duy trì tỷ lệ cao hơn mức này, cá biệt có công ty tỷ lệ này tới 15-17% để phòng thân cho chính họ. Vì vậy việc UBCK chấp thuận tăng tỷ lệ ký quỹ từ 10-13% không nhiều ý nghĩa về mặt thực tế mà chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính”, vị chuyên gia nói và cho rằng, nếu để ảnh hưởng thị trường thật thì cần phải nâng tỷ lệ này lên cao hơn với tỷ lệ khoảng 20-30%, thậm chí 40% như một số nước đang áp dụng.
Tuy nhiên, việc nâng dần tỷ lệ ký quỹ là cần thiết bởi theo một chuyên gia đến từ công ty quản lý quỹ cho hay, thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường phái sinh được ràng buộc chặt chẽ với nhau. “Lịch sử của TTCK thế giới đều cho thấy, mỗi khi có chứng khoán phái sinh thì khi tăng, thị trường tăng rất bốc; còn khi giảm lại giảm rất sâu. Trường hợp diễn biến của TTCK Việt Nam thời gian qua cũng không là ngoại lệ”, vị này cho hay.
Thế nhưng theo thống kê của VSD, thời gian gần đây, mỗi ngày có đến 150 tài khoản phái sinh được mở, trong đó có nhiều NĐT cá nhân nhỏ lẻ. Vậy chứng khoán phái sinh có yếu tố gì mà hấp dẫn NĐT đến vậy. Vị lãnh đạo công ty quản lý quỹ kể, một số người bạn thân quen của ông đã không ngần ngại nói rằng sau khi tham gia vào thị trường phái sinh xong thì họ không tham gia lại vào thị trường cơ sở được nữa. Vì tham gia vào thị trường phái sinh, họ có thể ăn ngay trong phiên (T+0), tính tiên lượng rất cao, và nếu quyết định đầu tư sai họ sẽ sửa được ngay và nếu họ quyết định đúng họ có thể chốt lời được ngay. Chứng khoán cơ sở không có cơ hội như vậy, nếu nắm CP nào đó mà chủ tịch HĐQT bị bắt thì NĐT sẽ rất khó xoay sở với CK đó. Chính vì vậy, thị trường hình thành số NĐT chuyên trên phái sinh. Và ngày càng có nhiều NĐT tham gia thị trường này.
“Chính vì vậy, việc Việt Nam nâng tỷ lệ ký quỹ như vừa qua là chưa ăn thua. Tôi cho rằng cần nâng dần tỷ lệ này lên 20-30% thậm chí cao hơn để các TVTT phòng ngừa rủi ro và khuyến khích NĐT tổ chức tham gia nhiều hơn”, một chuyên gia khuyến cáo.