Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân cấp, làm rõ trách nhiệm khi phê duyệt hợp đồng
Tại phiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí sửa đổi ngày 16/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các Luật khác có liên quan, cụ thể như quy định các bước thực hiện hoạt động dầu khí/dự án dầu khí; quy định về nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí...
Tuy nhiên, khi thẩm tra và thảo luận về các nội dung dự án Luật, các đại biểu vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về phê duyệt hợp đồng dầu khí. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí; đề nghị chỉnh sửa theo hướng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí, giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung chi tiết hoạt động dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ảnh minh họa. |
Song, ý kiến khác nhất trí quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí. Về chính sách khai thác tận thu dầu khí, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn, bảo đảm tính khả thi; cân nhắc quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ”, nội dung này theo góp ý của các đại biểu là chưa rõ nội hàm, chưa bảo đảm thống nhất về thẩm quyền.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, qua thảo luận vẫn còn một số nội dung cần được tiếp tục bổ sung, trong đó lưu ý vấn đề cần phải làm rõ, giải trình về tính chất đặc thù, đặc biệt của lĩnh vực liên quan đến Luật Dầu khí. Về cơ bản, dự thảo luật đầy đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận, đề nghị Ủy ban Kinh tế hoàn thiện hồ sơ dự án luật xin ý kiến Hội nghị đại biểu chuyên trách, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan; Đồng thời, chủ trì cùng với cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội.
Trong đó, cơ quan soạn thảo cần lưu ý một số vấn đề lớn: Phải tiếp tục rà soát tổng thể các nội dung về mục tiêu, quan điểm, định hướng các chính sách lớn đã đạt được trong thời gian vừa qua để chúng ta đánh giá, giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc để giải quyết và tránh phát sinh các vấn đề mới. Về quy định phê duyệt hợp đồng dầu khí: cần tiếp tục rà soát căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận, thực tiễn, đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu điểm, nhược điểm của hai luồng ý kiến về thẩm quyền phân cấp, phê duyệt hợp đồng dầu khí và xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đoàn đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần hết sức chú ý về nội dung các quy định liên quan đến phân cấp rõ ràng, minh bạch, làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ và Bộ Công thương... trong đó, theo hướng nên giao trách nhiệm cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ các nội dung vì có tính chất đặc biệt của hợp đồng dầu khí…
Về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí, khai thác tận thu: Hướng tiếp thu có thể như trong dự thảo luật, cũng là ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế là nộp ngân sách toàn bộ chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí, khai thác tận thu để khuyến khích khai thác tận thu. Đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh dự thảo luật, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án luật để trình Quốc hội thuyết phục hơn. Cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện các quy định về kiểm soát chặt chẽ doanh thu, chi phí quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư trong diện tích hợp đồng dầu khí, cơ chế đầu tư bổ sung, thu dọn công trình dầu khí và xử lý sau thu dọn khi kết thúc hoạt động khai thác…