EU thực hiện quy định chống mất rừng, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Ngày 23/6/2023, Liên minh châu Âu (EU) ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này được áp dụng từ tháng 1/2025, theo đó EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng gồm: cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu, nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.
Các sản phẩm thuộc 7 nhóm mặt hàng kể trên, trước khi xuất sang thị trường các nước châu Âu sẽ được thẩm định kỹ là có liên quan đến nạn phá rừng hoặc những hoạt động làm suy thoái rừng hay không? Theo nhiều người, quy định không gây mất rừng của EU sẽ góp phần phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Trong đó, áp tiêu chí rất cụ thể về các nông sản được làm ra không dựa vào việc chiếm đất rừng, góp phần ngăn không cho gỗ và các sản phẩm nông nghiệp khác không được kiểm soát hoặc bất hợp pháp thâm nhập vào thị trường châu Âu.
Với việc thực hiện EUDR, bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng như các nước khác phải đảm bảo sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng hoặc làm suy thoái rừng. Trong khi đó, 3 nhóm hàng chủ lực gồm: cà phê, cao su và gỗ của Việt Nam đang nằm trong nhóm ngành hàng chịu tác động của EUDR. Các sản phẩm chủ lực này cũng đem lại cho Việt Nam gần 3 tỷ USD mỗi năm, khi xuất khẩu sang thị trường các nước EU.
Sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng hoặc làm suy thoái rừng.. |
Rõ ràng, với việc EU áp dụng các biện pháp chống phá rừng, trước mắt sẽ gây nên những áp lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh (FPA Bình Ðịnh), quy định EUDR của EU là rào cản và thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ ở địa phương. Trong khi đó, đến nay khung kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR của các cơ quan chức năng cũng mới chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị, nên các doanh nghiệp ngành gỗ của Bình Định rất lúng túng khi thực hiện quy định này.
Trên thực tế hiện nay, tại khu vực miền Trung cũng như cả nước để chứng minh các sản phẩm xuất khẩu của mình không liên quan đến phá rừng là điều không dễ đối với các doanh nghiệp. Đơn cử, hầu hết các sản phẩm cà phê hay cao su ở miền Trung được sản xuất từ các hộ nông dân với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, manh mún; thậm chí có hộ nông dân còn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất mình đang sử dụng; chuỗi cung ứng của các ngành hàng đều khá dài và phức tạp, nhiều khâu trung gian với liên kết lỏng lẻo. Trên thực tế, diện tích trồng cà phê của Việt Nam ít có nguy cơ trồng trên diện tích đất phá rừng, song việc đáp ứng giấy tờ, thủ tục để chứng minh theo quy định của EU không hề đơn giản.
Đặc biệt, phần lớn diện tích gỗ rừng trồng ở các địa phương còn chưa được cấp chứng chỉ FSC (quản lý, phát triển rừng bền vững), nhiều diện tích đất rừng chưa đầy đủ tính pháp lý, nên không thể truy xuất được nguồn gốc gỗ nguyên liệu... Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp lo ngại những phần diện tích trồng trên đất chưa được cấp “sổ đỏ” sẽ không chứng minh được tính hợp pháp.
Theo đại diện Công ty cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài (Khu công nghiệp Phú Tài, Bình Định), rất khó có thể cung cấp cho khách hàng thông tin cụ thể về nguồn gốc, tọa độ địa lý của những cánh rừng đã khai thác để chế biến thành sản phẩm viên gỗ nén xuất khẩu, vì quá nhiều chủ rừng sở hữu diện tích nhỏ và chưa được cấp quyền sử dụng đất rừng trồng, không có cơ sở dữ liệu rừng trồng hợp pháp…
Cà phê là một trong các sản phẩm phải thực hiện các quy định chống mất rừng của EU. |
Dù còn rất nhiều khó khăn, thời gian để các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị để thực hiện quy định chống mất rừng của EU lại không còn nhiều. Song, nếu chúng ta không thực hiện nghiêm các quy định chống mất rừng, chúng ta sẽ tự “rời khỏi cuộc chơi”, mất đi một thị trường tiềm năng như EU.
Bởi vậy, có thể nói các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào EU đang không còn đường lùi. Song, trong “nguy” luôn có “cơ”, từ góc nhìn tích cực, EUDR có thể là “cú hích” để ngành nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng bền vững. Thực hiện EUDR cũng là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại ngành hàng liên quan tới rừng như, cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ. Bởi, xét cho cùng chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà là xu thế của thế giới trong tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế và nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững trên toàn cầu.