Giải pháp để phát triển giao thông công cộng
Theo thống kê của ngành giao thông vận tải TP.HCM, mỗi năm số lượng hành khách đi xe buýt mỗi giảm, năm 2020 chỉ còn khoảng 140 triệu lượt, đạt 51% kế hoạch năm và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trước đây, xe buýt từng là phương tiện đi lại thuận tiện của hầu hết sinh viên đi/đến Làng Đại học Thủ Đức, khi mà cứ 10 phút có một chuyến xe buýt xuất bến chở đầy sinh viên. Đến nay, số chuyến trên tuyến này đã giảm tới hơn một nửa do xe buýt không đảm bảo thời gian, thường xuyên đi trễ khiến sinh viên không dám đi vì sợ trễ học, trễ thi.
Theo các chuyên gia giao thông, mặc dù thời gian qua, TP.HCM cũng đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường nhưng tỷ lệ diện tích đất giao thông/đất đô thị mới chỉ vào khoảng 10%, chưa đạt 1/2 so với yêu cầu. Trong khi đó, mức độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân và nhu cầu đi lại của người dân đang tăng mạnh. Nếu không có làn đường ưu tiên hoặc dành riêng, xe buýt khó đảm bảo lộ trình. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt cho biết, vào giờ cao điểm (trước dịch Covid-19) có tới khoảng 80% chuyến xe buýt không đảm bảo thời gian hành trình.
Một trong những đoạn đường ưu tiên cho xe buýt tại TP.HCM nhưng chưa thành công |
GS-TS Nguyễn Thị Cành (Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) khẳng định, phát triển giao thông công cộng luôn là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Trên thực tế, trước đây, Sở GT-VT TP.HCM từng thử nghiệm làn đường dành riêng cho xe buýt (đường Trần Hưng Đạo) và đã có nhiều tranh cãi. Thế nhưng, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, đây lại là điều kiện tiên quyết để xe buýt thu hút được hành khách, và ủng hộ việc triển khai làm làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt. Tất nhiên, kèm theo đó phải là sự cân nhắc tính toán của ngành chức năng để hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng tiêu cực tới giao thông chung.
Chính vì vậy, Sở GT-VT TP.HCM đang lên kế hoạch cải tổ hoạt động của hệ thống xe buýt nhằm góp phần giải quyết nạn kẹt xe. Trong đó, Sở dự tính xây dựng đường ưu tiên cho xe buýt. Theo kế hoạch của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, đơn vị này sẽ tổ chức thí điểm làn đường ưu tiên cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, theo khung thời gian 2 giờ cao điểm buổi sáng và 3 giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần. Mỗi làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ có chiều rộng 3,25m, được phân cách với phần đường còn lại bằng rào chắn cứng, kết hợp với dải phân cách mềm. Ngoài xe buýt, xe công an, xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên cũng được lưu thông vào làn đường dành cho xe buýt.
Về lâu dài, lãnh đạo Sở GT-VT TP.HCM cho biết, theo quy hoạch, thành phố sẽ có một hệ thống giao thông công cộng tích hợp đa phương tiện, bao gồm 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện, cùng với 6 tuyến BRT (buýt nhanh) và hơn 200 tuyến xe buýt đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Là người tham gia nhiều đề án xây dựng phát triển giao thông vận tải tại TP.HCM, PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, một yếu tố quan trọng khiến người dân chưa hào hứng đi xe buýt trong thời gian qua, đó là do xe hay bị chậm giờ, trễ chuyến. Để giải quyết vấn đề này, ngoài cải tạo lại luồng tuyến cho phù hợp, cũng cần triển khai ngay những làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt.
“Khi có làn đường ưu tiên, dành riêng, xe buýt mới có thể đảm bảo chạy đúng giờ, đúng lộ trình và sẽ thu hút được người dân, học sinh, cán bộ công chức đi làm, đi học bằng phương tiện này. Muốn thu hút khách đi xe buýt mà lại không đảm bảo lộ trình, vậy làm sao kêu gọi người dân bỏ xe máy đi xe buýt được”, PGS-TS. Phạm Xuân Mai nói.