Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô trong nước, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 5.200 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình số 121/TTr-BTC gửi Chính phủ đề xuất không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, Tờ trình này cũng mở thêm phương án 2. Theo đó, nếu Chính phủ vẫn quyết định thực hiện giảm 50% mức thu LPTB thì đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (để giảm 50% mức thu lệ phí này trong 6 tháng theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Đồng thời giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính chính thức đề xuất phương án không tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh minh họa: Như Phúc |
Giải thích kỹ hơn về những đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (lần thứ 4) sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Cụ thể, việc giảm 50% LPTB trong năm 2024 sẽ khiến ngân sách Nhà nước hụt thu khoảng 5.200 tỷ đồng.
Song song đó, do số lượng ô tô tiêu thụ tăng thêm nhờ chính sách ưu đãi này chỉ tập trung ở một số tỉnh, thành phố (như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh) nên phần bù đắp tăng thu ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng không lớn ở các địa phương khác, khiến một số tỉnh, thành bị ảnh hưởng về cân đối ngân sách.
Quan trọng hơn, việc tiếp tục chính sách giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bị các đối tác nước ngoài khởi kiện do vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên.
Cụ thể, hiện Việt Nam đang là thành viên của WTO, việc giảm 50% LPTB sẽ vi phạm nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ WTO và FTA.
Thực tế, thời gian qua, sau khi Chính phủ 3 lần thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, các đối tác nước ngoài ít nhất đã có ba lần yêu cầu Việt Nam giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Lần thứ nhất tại Phiên rà soát chính sách thương mại WTO lần 2 của Việt Nam, tháng 4/2021. Lần thứ 2 tại Phiên họp của Ủy ban Thương mại hàng hóa, ngày 30/11/2023 và lần thứ 3 tại Phiên họp của Ủy ban Thương mại cấp Bộ trưởng, ngày 1/12/2023 tại Bỉ.
Bộ Tài chính cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì sẽ khó khăn trong việc giải thích chính sách đối với các đối tác nước ngoài về việc vi phạm các cam kết Đối xử quốc gia. Vì các lần trước các lý do “hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19” đã được sử dụng. Nay dịch bệnh cơ bản đã được khống chế trên toàn cầu nên lý do này sẽ thiếu tính thuyết phục.
Ngoài các lý do trên, cũng theo Bộ Tài chính, việc không tiếp tục chính sách giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời điểm hiện nay mang lại tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực.
Theo đó, hiện nay kinh tế vĩ mô chung của cả nước đang cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cán cân lớn của nền kinh tế đang được đảm bảo, tình hình kinh tế xã hội các tháng đầu năm phục hồi tích cực. Vì thế việc giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không có tác động lớn và không phù hợp trong bối cảnh chung.
Ngoài ra, việc không giảm LPTB cũng sẽ khiến một số địa phương tránh được tình trạng mất cân đối ngân sách do hụt thu từ các loại thuế, phí. Chưa kể rằng nếu thực hiện giảm LPTB lần thứ 4 sẽ khiến lượng xe ô tô cá nhân tăng lên, không phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 (theo Nghị quyết số 48/NQ-CP), tăng nguy cơ tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và gây áp lực lên hạ tầng giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Ba lần giảm LPTB ngân sách giảm thu hơn 20.500 tỷ đồng Theo thống kê của Bộ Tài chính, sau 3 lần thực hiện giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (lần 1: 6 tháng cuối năm 2020; lần 2: từ tháng 12/2021-5/2022; lần 3: 6 tháng cuối năm 2023), ngân sách Nhà nước đã hụt thu tổng cộng khoảng 20.538 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được bán ra nhiều hơn trong các thời điểm áp dụng chính sách ưu đãi này nên một số địa phương đã tăng thu đáng kể từ nguồn thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, trong hai lần áp dụng giảm LPTB đầu tiên, các địa phương đã tăng thu gần 17.100 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt so với cùng kỳ năm liền trước. Mặc dù vậy, đến lần giảm LPTB lần thứ 3 (áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2023) thì số tiền thuế thu được từ các sắc thuế này đã giảm lần lượt gần 4.000 tỷ đồng và 8.500 tỷ đồng. Nguyên nhân là do sức mua sụt giảm so với các lần ưu đãi chính sách trước đó. |