Liên minh đầu tư: Xu hướng mới thu hút vốn FDI
Dòng vốn FDI đổ vào bất động sản công nghiệp [Infographic] Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 8 tháng năm 2024 Việt Nam giữ vững sức hút FDI |
Hợp lực nâng vốn vào Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/8, tổng vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, FDI đăng ký mới đạt gần 12 tỷ USD, tăng 27% và vốn FDI thực hiện là khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.
Lượng vốn đầu tư FDI được dự báo sẽ tăng nhanh hơn, mạnh hơn trước xu hướng liên minh đầu tư vào Việt Nam. Cách đây ít ngày, 5 quỹ đầu tư tư nhân ở khu vực châu Á đã liên minh thành lập Vietnam Private Capital Agency (VPCA) với mục tiêu điều hướng 35 tỷ USD đầu tư tư nhân chảy vào Việt Nam trong 10 năm tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp và nâng cao vị thế của Việt Nam trong bức tranh đầu tư toàn cầu. Theo đó, khoản đầu tư này sẽ tạo bước chuyển đổi lớn trong việc nâng cao năng lực cho lĩnh vực đầu tư vốn mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân của Việt Nam bằng cách thúc đẩy các thực hành tốt nhất, hay nhất trong lĩnh vực này. Cách đây không lâu, Every Half Coffee Roasters một startup cà phê Việt Nam công bố nhận vốn đầu tư được dẫn dắt bởi quỹ Openspace Ventures và quỹ DSG Consumer Partners. Với sự hợp tác này, Every Half có thêm nguồn lực để tăng cường hợp tác với các nông hộ liên kết, mở rộng chuỗi bán lẻ và nâng cao chất lượng cà phê cho khách hàng của mình...
Đáng chú ý, lĩnh vực được các liên minh đầu tư quan tâm chủ yếu là công nghệ cao và chuyển đổi số; năng lượng tái tạo, các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững; nông nghiệp, chuyển đối số nông nghiệp...
Tham gia vào nhiều lĩnh vực với số vốn không hề nhỏ, sức mạnh của các liên minh đầu tư này không chỉ nằm ở sự hợp tác giữa các quỹ tư nhân, mà còn ở khả năng thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể khác. Theo đó, các tổ chức tài chính quốc tế, với nguồn lực dồi dào và kinh nghiệm toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn và hỗ trợ chuyên môn; các tập đoàn đa quốc gia, với mạng lưới kinh doanh rộng khắp và hiểu biết sâu sắc về thị trường, mang đến cơ hội hợp tác và tiếp cận công nghệ tiên tiến. Qua đó, tạo ra môi trường thuận lợi và đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Liên minh đầu tư mang đến cơ hội cho nguồn vốn FDI của Việt Nam tăng lên nhanh chóng |
Chính sách đón đầu, tạo cơ hội
Theo các chuyên gia, mô hình liên minh đầu tư mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các bên tham gia. Đầu tiên, phân tán rủi ro là một ưu điểm nổi bật, thay vì gánh chịu toàn bộ rủi ro khi đầu tư độc lập, mỗi đối tác trong liên minh đầu tư chỉ chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp của mình, giảm thiểu đáng kể tổn thất tiềm ẩn. Thứ hai, liên minh đầu tư đóng vai trò như một cầu nối hiệu quả để thâm nhập thị trường mới. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đây là cơ hội để tìm hiểu, thích nghi và xây dựng chỗ đứng trên thị trường nội địa trước khi quyết định đầu tư toàn phần. Qua đó, họ có thể giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh. Thứ ba, liên minh đầu tư có thể thúc đẩy tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Bằng cách hợp tác với các đối tác nước ngoài hoặc các nhà đầu tư khác, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận công nghệ mới và mở rộng thị trường. Cuối cùng, sự kết hợp giữa các đối tác mang đến nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý quốc tế, giúp kinh tế Việt Nam phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mô hình liên minh đầu tư không chỉ mang lại lợi ích cho các bên tham gia mà còn là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng thu hút vốn FDI của Việt Nam. GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, ngoài ổn định chính trị, chính sách đón đầu, cải thiện thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tốt. Chiến lược thu hút FDI vào các lĩnh vực trọng yếu như bán dẫn, công nghệ tương lai… của Việt Nam đang có những bước đi đúng.
Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Mại cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút FDI trở nên căng thẳng, cùng với những diễn biến như thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, việc thích nghi với môi trường đầu tư toàn cầu trở nên phức tạp hơn. Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội thu hút ngày càng nhiều dự án FDI chất lượng, cần chú trọng ba yếu tố là hoàn thiện thể chế, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng và đổi mới quản lý Nhà nước.
Cùng chung nhận định này, một chuyên gia khác cho rằng, cần xem xét lại các luật và quy định liên quan đến đầu tư, đặc biệt là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, và các Luật liên quan đến thuế... để đảm bảo không tạo ra rào cản hoặc hạn chế đối với các liên minh đầu tư; bổ sung hoặc điều chỉnh các quy định về hình thức liên minh đầu tư, đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với các mô hình hợp tác mới. Đồng thời cân nhắc các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, phí sử dụng đất... cho các liên minh đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về môi trường đầu tư, các cơ hội đầu tư và các đối tác tiềm năng cho các liên minh đầu tư.