Nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường Đức
Chương trình nhằm giới thiệu “Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức” có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Điều luật buộc các doanh nghiệp Đức phải kiểm soát những rủi ro cho con người và môi trường có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều Luật này là một thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt thu hút sự quan tâm từ khách hàng Đức tiềm năng.
Doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng những yêu cầu từ người mua hàng Đức trong ngành dệt may |
Theo ITPC, trong những năm qua quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU nói chung và giữa Việt Nam với Đức nói riêng có bước phát triển mạnh mẽ. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Châu Âu, chiếm hơn 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngỏ để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác của Châu Âu. Tuy nhiên để đạt được những hiệu quả nhất định, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp hành các điều kiện khắt khe trong quy trình sản xuất và xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU nói chung và Đức nói riêng. Chương trình hôm nay cũng không nằm ngoài mục đích giúp cho doanh nghiệp có thêm những kiến thức cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh vào thị trường Đức.
Ông Nguyễn Ngọc Sang – Trưởng phòng đại diện Incubator – AHK Việt Nam đã có các chia sẻ về toàn cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian qua, Việt Nam đã là điểm đến thu hút đầu tư của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Đức. AHK Việt Nam đang nhận được ngày càng nhiều yêu cầu tìm nhà cung ứng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp tham gia cũng được cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến nội dung của Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) và ý nghĩa của Điều luật đối với doanh nghiệp Việt.
Mục tiêu của đạo luật LkSG của Đức nhằm cải thiện việc bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm. Ví dụ như tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc đúng mức.
Đạo luật này cũng yêu cầu các doanh nghiệp Đức xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh.
Để có thêm thông tin đa dạng, ông Juan Maties Garcia – đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương – Công ty TÜV Rheinland Vietnam đã bày tỏ góc nhìn từ phía chuyên gia kiểm định đối với các yêu cầu của thị trường Đức, cũng như chia sẻ về tầm quan trọng của tiêu chuẩn bền vững đối các doanh nghiệp Đức nói chung. Đặc biệt, bà Nguyễn Linh Chi - Trưởng đại diện tại Việt Nam – Công ty Otto International đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu từ người mua hàng Đức trong ngành dệt may.