Nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh mới
Theo ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống toàn cầu. Điều này càng thấy rõ với các nước có độ mở thương mại cao như Việt Nam, cụ thể là cầu tiêu dùng giảm và cầu xuất khẩu giảm do giãn cách xã hội; đứt gãy các chuỗi cung ứng, tăng chi phí… làm giảm hiệu quả thương mại, hiệu quả đầu tư. Hiện cả nước có 30% doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu đầu vào, với mức thiếu hụt trung bình khoảng 50,5% nhu cầu; thị trường tiêu thụ trong nước của khoảng 64,3% doanh nghiệp bị thu hẹp; 48,2% doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn; 51% doanh nghiệp bị giảm lượng đơn hàng mới.
Trong bối cảnh đó, thương mại hai chiều Việt Nam và EU vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực. Riêng năm 2021, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020.
Thương mại hai chiều Việt Nam và EU vẫn tăng trưởng tích cực |
Đáng chú ý, sự kiện kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU có sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỷ USD cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Điều đó càng chứng tỏ EVFTA là một FTA có tác động rất tích cực tới kinh tế Việt Nam. Kinh tế EU phục hồi, đặc biệt khi cầu về tiêu dùng hàng hóa tại EU phục hồi, sẽ là cơ hội tốt nâng cao hiệu quả của hiệp định cho cả hai bên. Covid-19 đang có tác động nhiều chiều tới hiệu quả của hiệp định. Một số ngành có xuất khẩu gia tăng nhanh do tắc nghẽn nguồn cung ở nhiều nơi trên thế giới, đơn cử như ngành nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong cả năm 2020 và năm 2021, tuy nhiên cũng còn rất nhiều ngành đang bị ảnh hưởng tiêu cực.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, EVFTA được ký kết đã minh chứng cho thành công của Việt Nam trong thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa kinh tế đối ngoại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn cung ứng duy nhất, giảm sức ép rủi ro cho nền kinh tế. Việt Nam và EU là các nền kinh tế bổ sung cho nhau, nên việc thực hiện EVFTA khiến cả hai bên đều có lợi. Việc thực thi EVFTA không chỉ tạo lợi thế, lợi ích bổ sung cơ cấu kinh tế mà còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nhiều sản phẩm của Việt Nam hiện còn chưa tận dụng được nhiều ưu đãi này, cụ thể là các sản phẩm dệt may do công nghiệp phụ trợ của ngành này còn hạn chế, phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu ngoài khối. Hay với mặt hàng nông sản khi xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng lên ngôi tìm đến những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu xu hướng tiêu dùng sau dịch để đáp ứng thị trường…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI đã đưa ra một loạt vấn đề mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt thời hậu Covid-19, như: chi phí logistics, nguyên vật liệu, xăng dầu tăng giá khó lường; hạn chế trong năng lực cạnh tranh; khả năng thích ứng với các biến động của thị trường và diễn biến dịch bệnh. Để góp phần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần chú trọng hỗ trợ về phổ biến tuyên truyền chuyên sâu theo vấn đề, theo thị trường; cung cấp thông tin thị trường; xúc tiến thương mại các cấp độ từ quốc gia đến sản phẩm; hỗ trợ nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi; phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng, khả năng đáp ứng các yêu cầu của đối tác, chuyển đổi số…
Từ những nhận định, nghiên cứu chuyên sâu, ông Lương Văn Khôi đề xuất những biện pháp ứng phó phù hợp như tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó là tăng cường phổ biến tuyên truyền và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về EVFTA; Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng quy tắc xuất xứ; Giảm thiểu và ứng phó với các yếu tố tiêu cực: cơ cấu lại ngân sách nhà nước; ứng phó với các biện pháp phòng vệ và tranh chấp thương mại… Cùng với đó là thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.