Ngân hàng cạnh tranh chiêu mộ nhân sự
Nhân sự tại các công ty thuần về công nghệ có công việc ổn định nhất Tiền lương và biến động nhân sự |
Ứng dụng AI vào tuyển dụng
Trong đợt tuyển dụng nhân sự lớn cho các khối marketing, kế toán, quản trị rủi ro, quản trị dữ liệu… diễn ra vào giữa năm 2023 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã áp dụng quy trình tuyển dụng cho nhóm ứng viên mới ra trường (fresher) với nhiều cách thức mới lạ.
Theo đó, các ứng viên trải qua 4 vòng tuyển dụng. Trong đó, hai vòng đầu được sàng lọc trực tuyến thông qua các bài kiểm tra năng lực online do các phần mềm đánh giá năng lực áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đảm nhiệm. Khi vượt qua các vòng đầu, ứng viên tiếp tục vào vòng trong với các buổi phỏng vấn trực tuyến, thử thách làm bài luận và phỏng vấn trực tiếp.
Đại diện MB cho biết với chương trình tuyển dụng MB Young Talent, ngân hàng này đã tiếp cận hàng nghìn ứng viên là các bạn trẻ có kết quả học tập xuất sắc tại các trường đại học lớn trên cả nước với 6 khối ngành phù hợp nhu cầu tuyển dụng.
Không chỉ MB, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage, hiện nay, việc áp dụng công nghệ AI trong tuyển dụng đã được nhiều ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (fintech) áp dụng. Trong đó, các bảng đánh giá nhân viên thử việc về kỹ năng, thái độ làm việc được thiết kế rất chặt chẽ, khoa học và được AI xử lý khá công bằng, chính xác.
Công nghệ AI hiện đã có thể giúp các ngân hàng tự động hóa nhiều khâu tuyển dụng, phân tích kết quả kiểm tra ứng viên thông qua bài kiểm tra mẫu và qua hồ sơ trên mạng xã hội, xác thực thông tin, tạo báo cáo đánh giá trực quan và phân loại ứng viên tiềm năng.
Các thống kê của Intage cho thấy, đến nay đã có trên 20 NHTM tại Việt Nam áp dụng công nghệ AI trong quá trình tuyển dụng nhân sự thông qua nguồn cung cấp của các doanh nghiệp “săn” nhân sự (headhunter) hoặc các hãng công nghệ tuyển dụng chuyên nghiệp quốc tế.
Nhóm ngân hàng nước ngoài như HSBC, Hong Leong Bank… hay nhóm ngân hàng TMCP trong nước như VIB, MB, ACB, Sacombank, VBBank cũng đều đã kết hợp các công nghệ AI và số hóa vào quy trình tuyển dụng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quy mô lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank hiện cũng đã có sự thay đổi và cởi mở hơn trong hoạt động tìm kiếm ứng viên thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo), giảm các yêu cầu về thủ tục (không yêu cầu nộp bảng điểm, bản gốc chứng chỉ văn bằng), giới hạn độ tuổi dưới 35, đồng thời chú trọng hơn đến kỹ năng số của ứng viên và linh hoạt chấp nhận sản phẩm sáng tạo của ứng viên trong tuyển dụng. Chẳng hạn, VietinBank chấp nhận miễn thi nghiệp vụ nếu ứng viên nộp video giới thiệu sản phẩm theo yêu cầu ở vòng hồ sơ...
Nhiều cơ hội học tập sau tuyển dụng
Theo phân tích của Navigos Search, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng “nhân sự số” ở nhóm ngành tài chính - ngân hàng vẫn luôn dẫn đầu trong các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn hàng năm. Việc đổi mới trong cách thức tuyển dụng, bao gồm các cách thức như ứng dụng AI, robot phục vụ phân tích sàng lọc ứng viên… sẽ ngày càng được nhiều ngân hàng và fintech áp dụng. Quy trình tuyển dụng sẽ ngày càng được thiết kế phù hợp hơn với nhu cầu chiêu mộ người trẻ, có trình độ cao và đa năng trong công việc. Vì thế, các thế hệ Gen Y (sinh từ 1981-1996) và Gen Z (sinh từ 1997-2015) sẽ có nhiều cơ hội đảm nhận các vị trí quan trọng ở các ngân hàng.
Để chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực trẻ, những năm gần đây, các ngân hàng rất chú trọng đầu tư cho hoạt động đào tạo nội bộ. Một số ngân hàng đã hình thành những đơn vị riêng chuyên trách về đào tạo như BIDV có Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Vietcombank có Trường Đào tạo cán bộ Vietcombank, VietinBank có Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank; Techcombank có Trung tâm Đào tạo Techcombank; MB có Trung tâm Học tập và sáng tạo; MSB, SHB, ACB… có các hệ thống học tập trực tuyến.
Theo các chuyên gia, hoạt động đầu tư cho quản trị nhân lực, bao gồm tuyển dụng, đào tạo nội bộ, quản trị hiệu suất làm việc, quản trị thái độ làm việc… sẽ là xu hướng chiến lược được nhiều ngân hàng chi tiền tỷ trong các năm sắp tới để phát triển bền vững nguồn nhân lực.
Theo quan sát, hiện nay, một số dự án về nhân sự đã được Vietcombank triển khai như: Dự án E-Learning, dự án phần mềm quản lý nhân sự mới, dự án khung năng lực, dự án ICS và EES. Các ngân hàng khác như VIB, HDBank, Sacombank… cũng đều lần lượt đầu tư lớn cho các dự án VIBLearning, App People HDBank, SAP SuccessFactors…
Những thực tế trên cho thấy, bên cạnh các đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động thu hút nhân sự cũng đang được các TCTD đầu tư rất mạnh với các chiến lược cạnh tranh số hóa và chuyên nghiệp hóa. Làn sóng đầu tư này một mặt cho thấy xu hướng tất yếu của quá trình chuyển biến nhân sự tài chính - ngân hàng “Thời đại 4.0”, đồng thời cũng tạo ra một dạng “phúc lợi” đối với người lao động trình độ cao khi có nhiều cơ hội được trải nghiệm ở các môi trường làm việc tốt nhất, được đào tạo, học tập và hoàn thiện ngay trong quá trình làm việc.