Ngành Ngân hàng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang đồng chủ trì hội nghị.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 9 tháng đầu năm 2020, GDP toàn quốc tăng trưởng 2,12%, thấp hơn nhiều so mức tăng trưởng cùng kỳ những năm trước. Khó khăn nữa là năm nay khu vực miền Trung và Tây Nguyên phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bão, lũ lớn nhất trong nhiều năm qua. Các đợt bão, lũ, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bị đình trệ, tiếp tục ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động ngành Ngân hàng.
Theo thống kê sơ bộ của chi nhánh các tổ chức tín dụng tại miền Trung và Tây Nguyên, đến 30/11/2020, tổng dư nợ bị ảnh hưởng do bão, lũ khoảng 27,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,82% tổng dư nợ trên địa bàn; với 71.413 khách hàng bị ảnh hưởng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, chưa năm nào dịch bệnh, bão lũ liên tiếp xảy ra, dẫn đến khó khăn chung cho nền kinh tế của các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Kéo theo đó là hoạt động ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn về khi tín dụng tăng thấp, khách hàng vay vốn bị thiệt hại nặng. Do vậy, cần phải nhận diện, đánh giá, đề ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng có dư nợ bị ảnh hưởng. Chú trọng các giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất, cho vay mới... Đây là vấn đề các đại biểu tham dự hội nghị cần đánh giá, đề xuất giải pháp hỗ trợ trước mắt và lâu dài. Trong đó, tập trung vào 2 vấn đề tín dụng sản xuất và tín dụng tiêu dùng.
Phải khẳng định rằng, thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, NHNN đã ban hành các Công văn 7751/NHNN-TD và 8247/NHNN-TD chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt áp lực về tài chính, tiếp cận vốn vay, khôi phục sản xuất sau bão, lũ; hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cùng đó, NHNN kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, thực hiện công tác an sinh xã hội đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn về con người và tài sản, kho quỹ trong quá trình mưa lũ, thường xuyên cập nhật các thông tin để có giải pháp xử lý kịp thời.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), bám sát các quy định trên, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trên địa bàn các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão, lũ áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; Phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ theo quy định; hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ.
Tổng hợp số liệu của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, đến 30/11/2020, tổng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi đợt bão, lũ năm nay khoảng 34,07 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đang hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại qua các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 4.706 khách hàng, với dư nợ 262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 30.439 khách hàng, với dư nợ 31.958 tỷ đồng; cho vay mới 40.077 khách hàng với số tiền cho vay mới 8.375 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đang xem xét đề xuất khoanh nợ cho một số khách hàng, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện khoanh nợ số tiền 85,93 tỷ đồng cho 2.087 khách hàng, xóa nợ 470 triệu đồng cho 23 khách hàng. Cùng đó, đến cuối tháng 11/2020, các tổ chức tín dụng, Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương và các cán bộ ngành Ngân hàng đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ an sinh xã hội cho các tỉnh, thành phố, người dân bị thiệt hại nặng bởi bão, lũ số tiền 153,6 tỷ đồng.
Quảng Nam là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra. Theo ông Phạm Trọng, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Quảng Nam, mặc dù chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp ứng phó, song sức tàn phá của thiên tai quá lớn dẫn đến thiệt hại nặng. Tại Quảng Nam, bão, lũ đã làm 42 người chết, 19 người mất tích và 423 người bị thương, gây nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất trường trạm, đường xá với tổng thiệt hại ước tính 10.500 tỷ đồng. Đến cuối tháng 11/2020, có 9/30 tổ chức tín dụng trên địa bàn phát sinh dư nợ thiệt hại do mưa lũ gây ra, ước tính thiệt hại hơn 750 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã triển khai hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ cho 23 khách hàng với dư nợ hơn 11 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 3.805 khách hàng với dư nợ 3.970 tỷ đồng. Cho vay mới đối với 3.954 khách hàng...
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Thừa Thiên - Huế cho hay, Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, đặc biệt, những trận mưa lớn vào cuối vụ Đông Xuân gây ngập úng làm giảm năng suất nhiều loại cây trồng đến kỳ thu hoạch (giảm gần 10 ngàn tấn thóc). Bão, lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông, công trình cấp nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, ước tính thiệt hại lên trên 2.000 tỷ đồng...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung nêu ra các giải pháp để khôi phục hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong đó, đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi suất và cho vay mới để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú hoan nghênh các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng thiên tai bão, lũ.
Phó Thống đốc cho rằng, có thể thấy mức độ bão, lũ tại miền Trung và Tây Nguyên dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường hơn trong những năm tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp vùng miền Trung và Tây Nguyên. Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định việc giải quyết tình trạng này không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vùng miền Trung, Tây Nguyên.
Theo Phó Thống đốc, riêng với ngành Ngân hàng, việc triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất do ảnh hưởng của bão, lũ vẫn được thực hiện hằng năm. Trong đợt bão, lũ năm nay, NHNN đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh các địa phương bị thiệt hại bởi bão, lũ chủ động ứng phó, triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng và xử lý nợ vay theo quy định.
Công tác hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại cũng được các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tích cực triển khai thông qua việc xây dựng ban hành một số cơ chế chính sách về miễn giảm phí, lãi suất áp dụng riêng cho người dân các tỉnh bị thiệt hại nặng; công tác xử lý khó khăn về nợ vay như cơ cấu, gia hạn, giãn, hoãn nợ cho khách hàng, xem xét miễn giảm lãi vay và bước đầu cho vay mới tái thiết sản xuất, khôi phục kinh doanh sau bão, lũ.
Phó Thống đốc chỉ đạo, đối với NHNN chi nhánh các địa phương cần thực hiện kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Triển khai đầy đủ các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong các ngành/lĩnh vực thế mạnh của vùng như công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng, du lịch, kinh tế biển, cây công nghiệp... Nắm sát tình hình sản xuất kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của bão, lũ trên địa bàn để chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai tốt các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại theo chỉ đạo của NHNN. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ (nếu có), báo cáo UBND cấp tỉnh để thực hiện thủ tục xem xét, quyết định việc đề nghị khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP.
Đối với các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực, cho vay các công trình, dự án kinh tế trọng điểm, các dự án và các chương trình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu của vùng; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần khôi phục kinh tế các địa phương sau dịch.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Văn bản số 7751/NHNN-TD tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do bão, lũ. Tuân thủ quy định và nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất, phí, lệ phí nhằm chia sẻ với người dân, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch COVID-19, bão, lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tiếp tục tạo thuận lợi về thủ tục và điều kiện vay vốn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, phục vụ sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu đời sống chính đáng của người dân nhằm tái thiết cuộc sống, khôi phục sản xuất sau bão, lũ…