Nghị định về vàng đã phát huy tác dụng khá tốt
Mục tiêu cuối cùng: Ổn định thị trường vàng miếng Tăng cường phối hợp quản lý thị trường vàng |
Đã không còn tình trạng "vàng hóa"
Chia sẻ về cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng, GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012. Thời điểm đó, vàng đang được coi như một phương tiện thanh toán, gần như là tiêu dùng vàng thay cho tiền; hầu như những quan hệ gì giá trị lớn là quy thành vàng. Chúng ta có thể nói rằng đó là thời kỳ "vàng hóa nền kinh tế".
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa" với các quy định chặt chẽ như: Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng...
"Nghị định ra đời rất kịp thời và trong những năm qua, Nghị định đã phát huy tác dụng khá tốt, gần như chúng ta đã chấn chỉnh được tình trạng dùng vàng làm công cụ giao dịch", GS.TS. Hoàng Văn Cường cho biết.
Chia sẻ về mô hình, cách thức quản lý thị trường vàng đang được áp dụng phổ biến và hiệu quả trên thế giới, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa và quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch trên thị trường.
Còn ở Việt Nam, vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh. Người dân coi vàng như là một phương tiện để tích trữ và phòng ngừa lạm phát, rủi ro. Hiện giá trị đồng tiền Việt Nam rất ổn định, tỉ giá cũng rất ổn định. Chính vì, thế người dân không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán và không còn tình trạng "vàng hóa".
Cùng chung nhận định này, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho biết, tâm lý của người dân Việt Nam từ xưa đến nay đều cho rằng tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro. Trong bối cảnh người cần có tích lũy, vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất.
“Mặc dù SJC và các vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau nhưng đây là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên là vàng ấy được tin cậy. Tích lũy bao giờ cũng đảm bảo an toàn nhất nên người ta đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC. Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu và giá vàng sẽ tăng”, GS.TS. Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa nhiều khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng. Đồng thời, trong tháng 1/2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. NHNN cũng liên tiếp có các văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng.
Các vị khách mời tham gia Tọa đàm (Ảnh: VGP) |
Quản lý tốt, đảm bảo lợi ích của người dân
Dẫu vậy, so với thời điểm ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, đến nay, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… có rất nhiều thay đổi. Khi bối cảnh thay đổi, theo các chuyên gia thì việc cơ quan quản lý nghiên cứu cơ chế mới cho chính sách này là cần thiết và đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.
GS.TS. Hoàng Văn Cường đề xuất, khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa vì tâm lý càng khan hiếm giá càng tăng, càng đi mua. Trong khi đó, xu thế giao dịch của thế giới hiện nay là mở ra phương thức kinh doanh trên sàn kinh doanh thông qua hợp đồng kinh doanh, thông qua các tín chỉ về vàng. Nếu mở thêm các hình thức kinh doanh này, thị trường sẽ không bị lệ thuộc quá vào việc nhập khẩu nhiều hay ít, cân đối được ngay cung - cầu; vàng lưu thông ở trên thị trường sẽ tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân.
Cũng mong có sự thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng, GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cơ quan điều hành cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược với thị trường vàng như là bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, mang tính hội nhập và liên thông với thế giới; cần nghiên cứu cho phép sở giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ. Cùng đó là việc thành lập quỹ tín thác bằng vàng để phát huy vai trò như quỹ bình ổn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh cơ chế chính sách, ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cho rằng, điều hành giá vàng cần điều hành cả tâm lý người dân trước biến động giá vàng. Vì thực tế, thị trường vàng vừa qua bị tác động bởi các yếu tố như tâm lý… Do đó, người dân không nên vội vã chạy theo biến động mạnh của giá vàng. Bởi thực tế, giá vàng tăng mạnh, người dân mua vàng nhiều đẩy giá tăng, nhưng chỉ sau Công điện của Thủ tướng, giá vàng giảm ngay lập tức...