Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về đổi mới sáng tạo
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại diễn đàn. |
Doanh nghiệp đầu tư cho khoa học còn hạn chế
Phát biểu tại diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” sáng ngày 5/6, bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”.
Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã được ban hành. Qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.
Theo bà Đỗ Thị Phương Lan, những thay đổi trong chính sách đã mang đến những quả ngọt. Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát thì đa số doanh nghiệp chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu.
"Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo", bà Hương cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Thị Phương Lan cho rằng, dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, song vẫn cần có sự hoàn thiện trong thời gian tới.
Thực tế cũng đang cho thấy, các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực. Còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp.
Bà Đỗ Thị Phương Lan cho rằng: "Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, khi đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường. Một bộ phấn lớn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, kết quả chưa cao".
Hoạt động đổi mới sáng tạo cần tập trung vào 4 lĩnh vực
Ông Vương Đình Vũ - Giám đốc BuyMed chia sẻ, dù BuyMed đã làm việc với hơn 2.000 công ty dược phẩm và các nhà bán hàng uy tín với hơn 35.000 sản phẩm, nhưng khi đối mặt với rào cản thị trường, thì việc tiếp cận khách hàng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng thuốc giả và quảng bá mức giá trị của sản phẩm đã khiến cho các doanh nghiệp cung ứng dược phẩm bị sụt giảm doanh thu.
Đổi mới sáng tạo là định hướng trong chiến lược phát triển của hầu hết quốc gia. |
"Nhân tố chính sách và tiếp cận chính sách cũng là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo. Do không tiếp cận chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nên khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội phát triển", ông Vũ chia sẻ.
Theo ông Vương Đình Vũ, doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng số để giải quyết triệt để vấn đề phân mảng. Trong quá trình vận hành, các vấn đề nảy sinh được giám sát và xử lý bằng những sáng tạo khắc phục vấn đề một cách nhanh chóng để chuyển biến kết quả theo hướng tích cực nhất. Việc sáng tạo có thể ngay từ việc thay đổi bao bì sản phẩm theo hướng tuần hoàn, đến dán tem trên sản phẩm để giám sát quy trình vận chuyển…
Hiện nay, ngành dược đang cung cấp nền tảng số và hạ tầng kỹ thuật giúp giải quyết triệt để vấn đề phân mảnh, chuyển đổi sang mô hình phân phối mới và đầu tư vào năng lực chuyển giao, đồng thời, số hóa quy trình và đẩy mạnh phân phối trực tuyến. Nhờ đó, ngành Dược đã giúp các khách hàng là khoảng hơn 30.000 nhà thuốc và phòng khám, tiết kiệm 75% thời gian; 80% vốn lưu động và 50% chi phí vận chuyển.
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với quy mô lớn, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển với tốc độ rất nhanh.
Đổi mới sáng tạo là định hướng trong chiến lược phát triển của hầu hết quốc gia. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sáng tạo đổi mới quốc gia đang được ưu tiên hàng đầu. Do đó, Việt Nam cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Việc quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, để thúc đẩy hiệu quả của các chính sách ưu đãi này, hoạt động đổi mới sáng tạo cần tập trung vào 4 lĩnh vực: nông nghiệp; dịch vụ; công nghiệp; xây dựng và giao thông.
Đồng thời, cần thực thi đồng bộ các nhóm giải pháp như: phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới; phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhấn mạnh đến sự cần thiết của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông chính sách.
"Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách và phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các vườn ươm, các doanh nghiệp công nghệ số, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông chính sách", bà Nga kiến nghị.