Nỗ lực hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do ảnh hưởng mưa bão kéo dài đã gây ra hàng chục vụ sạt lở đất nghiêm trọng.
Gần đây nhất, theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, chỉ trong 2 ngày 11 và 12/11/2020, các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị sạt lở taluy dương có tổng khối lượng 74.574m3, sạt lở taluy âm dài 46m, hư hỏng hộ lan mềm dài 113m. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 2,5 tỷ đồng.
Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp luôn tiềm ẩn những nguy cơ sạt lở đất tại Quảng Nam |
Một trong những vụ nghiêm trọng gần đây là sạt lở taluy dương quốc 40B trên địa bàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), với khối lượng đất đá bị sạt lở lên đến trên 63.794m3. Cũng trên tuyến đường này, vụ sạt lở taluy dương tại km66+500 (xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) trong ngày 11/11/2020 khiến 2 người bị thương nặng và 1 người mất tích. Ngay sau sự cố, đoàn công tác của Sở GT-VT đã đến hiện trường trực tiếp chỉ huy, đảm bảo giao thông phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Nhiều lực lượng địa phương tham gia cứu hộ cứu nạn, song do tình hình mưa bão, sạt lở đất có diễn biến phức tạp, nên chính quyền địa phương chỉ đạo tạm dừng công tác cứu hộ cứu, nạn tìm người mất tích để đảm bảo an toàn cho lực lượng và phương tiện tham gia tìm kiếm.
Để đảm bảo thông tuyến giao thông trên quốc lộ 40B, Sở GT-VT Quảng Nam đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng tham gia thực hiện dọn đất đá. Cùng với đó, các lực lượng chức năng địa phương tiếp cận hiện trường tại km66+500 trên địa bàn xã Trà Tân. Nhiều phương tiện được huy động tại vị trí sạt lở để tìm kiếm nạn nhân, đồng thời thực hiện thông tuyến quốc lộ 40B. Các lực lượng chức năng như quân đội, công an, dân quân tự vệ và nhân dân địa phương cùng tham gia tìm kiếm người mất tích bằng nhiều biện pháp...
Theo Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam, khối lượng đất đá từ phía taluy dương km 66+500 vẫn liên tục sạt lở xuống rất nhiều lần, gây mất an toàn đối với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ nên buộc phải tạm dừng để đảm bảo an toàn.
Cùng trên quốc lộ 40B, còn có nhiều điểm sạt lở và nước lũ gây ách tắc giao thông như 2 ngầm Sông Trường và Nước Oa bị nước lũ ngập gây chia cắt; sạt lở taluy dương trên địa tuyến chạy qua các xã Trà Mai và Trà Don, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Không những thế, trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Tây Giang, Đại Lộc… cũng diễn ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Riêng tại địa bàn Tây Giang, tuyến ĐT606 bị ách tắc đoạn từ km40+000 đến km64+000 - trên địa bàn xã A Xan - xã Ch'Ơm - do đất đá sạt lở từ taluy dương đổ xuống lòng đường. Để đảm bảo hoạt động lưu thông cho người dân, đơn vị quản lý đường đang khẩn trương đưa phương tiện cơ giới vào các điểm sạt lở để dọn đất sạt lở thông tuyến.
Trên địa bàn huyện Phước Sơn (Quảng Nam), mưa to liên tục khiến công tác khắc phục giao thông vào xã Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn) gặp rất nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Sở GT-VT Quảng Nam, hiện tại công tác khắc phục các điểm sạt lở để thông tuyến gặp nhiều khó khăn, vì nhiều chỗ thông tuyến xong lại tiếp tục bị sạt lở. Tại một số điểm sạt lở, khi đưa phương tiện vào khắc phục thì phát hiện đường đứt gãy, rất nguy hiểm đối với lực lượng tham gia khắc phục. Những vị trí này cần nghiên cứu kỹ để tìm giải pháp khắc phục an toàn, sớm triển khai thông tuyến để người dân lưu thông…
Trước những thiệt hại to lớn do các đợt mưa bão vừa qua gây ra, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường chỉ đạo, các địa phương, các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc một cách quyết liệt với tinh thần nhanh nhất và huy động sự hỗ trợ của cộng đồng để sửa chữa nhà ở cho người dân bị hư hại do bão lũ gây ra. Cùng với đó, kịp thời cung cấp lương thực thực phẩm để người dân không bị thiếu ăn, tập trung khôi phục, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Trước tình hình mưa bão gây thiệt hại nặng nề đối với tỉnh Quảng Nam, trong lần công tác thị sát tình hình thiệt hại sau bão gây ra, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, chính quyền tỉnh Quảng Nam phải khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như, tập trung tìm kiếm những người bị mất tích do sạt lở núi; khẩn trương hỗ trợ lương thực thực phẩm, nước uống, nhanh chóng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa của người dân vì đa số trường hợp này là hộ khó khăn, hộ nghèo. Đặc biệt, tuyệt đối không để người dân thiếu ăn và không có nhà để ở vì bão lũ gây ra.
Cùng đó, tập trung lực lượng ứng phó kịp thời và có hiệu quả với mưa lũ thường diễn biến phức tạp sau hoàn lưu bão; tập trung sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế để đảm bảo chỗ học hành an toàn cho học sinh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh thường xảy ra sau bão lũ. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống cho nhân dân…