Quyết liệt kích cầu trong nước
Hai kịch bản tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2024 Tỷ lệ tín dụng khu vực tư nhân trên GDP của Việt Nam thuộc top cao nhất ASEAN HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên 6,5% |
Cập nhật báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) của ADB mới đây giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 ở mức 6% (so với ADO công bố tháng 4). Ông có thể cho biết cơ sở của những dự báo này?
Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tăng trưởng tương đối thuận lợi, đạt 6,4% là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nền kinh tế nửa cuối năm xu hướng chung còn nhiều khó khăn và tăng trưởng sẽ chậm lại. Nếu so với cùng kỳ, chúng ta thấy một phần của tăng trưởng cao nửa đầu năm 2024 là vì nửa đầu 2023 tăng trưởng thấp (chỉ đạt 3,9%). Trên nền tăng thấp thì việc có được tăng trưởng cao hơn sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023 nền kinh tế đã đạt được tăng trưởng cao (tăng 6,3%), tức là chúng ta đã có nền xuất phát điểm tốt hơn rồi thì nửa cuối năm 2024 sẽ rất khó để duy trì tăng trưởng cao như thế. Giả định như hai quý cuối năm nay có tích cực hơn một chút, tốc độ tăng GDP được 6,2% mỗi quý thì cả năm nay GDP cũng chỉ tăng 6,2%. Trong trường hợp kinh tế thế giới khó khăn hơn (như xu hướng hiện nay ADB nhận định kinh tế thế giới vẫn đang đi xuống) và hai quý cuối năm nay có thể chỉ tăng khoảng 5,7 - 5,8% mỗi quý, thì cả năm nay GDP chỉ tăng 6%.
Mặt khác, khi nhìn vào các yếu tố lớn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm nay thì khối xuất nhập khẩu đã tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm 2024, nhưng chủ yếu là dựa trên bối cảnh nửa đầu của 2023 bị suy giảm mạnh và nửa đầu 2024 phục hồi giúp bù đắp lại. Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu giảm 15%, còn nửa đầu năm nay xuất khẩu tăng 14,5%; nửa đầu năm ngoái nhập khẩu giảm 18%, năm nay tăng 17%. Các số liệu đó cho thấy, mặc dù thương mại nửa đầu năm nay tăng trưởng rất tích cực, nhưng cũng là do so sánh với xuất phát điểm thấp của nửa đầu năm ngoái. Còn trong nửa cuối 2024, do từ nửa cuối năm 2023 thương mại đã phục hồi, nên tăng trưởng của thương mại sẽ không nhanh được như nửa đầu năm. Do đó, dù thương mại xuất nhập khẩu vẫn sẽ có thể đóng vai trò tích cực, nhưng quy mô, mức độ sẽ không còn được như nửa đầu năm. Và khi tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu nửa cuối năm nay giảm xuống thì sẽ kéo cả tăng trưởng chung sẽ xuống theo.
Xuất khẩu trong nửa cuối năm khó tăng trưởng mạnh như nửa đầu năm |
Bên cạnh “xuất phát điểm” như vậy, còn yếu tố nào khác khiến ADB nhận định ngành chế biến, chế tạo liên quan đến thương mại (xuất nhập khẩu) của Việt Nam sẽ chậm lại?
Chúng tôi dự báo nhu cầu toàn cầu suy yếu và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình hồi phục tăng trưởng hoàn toàn của ngành chế biến xuất khẩu Việt Nam. Hơn nữa nửa đầu năm 2023, nhu cầu cả thế giới sụt giảm dẫn đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sụt giảm, trong khi nửa đầu năm nay, sức cầu thế giới tăng lên thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng. Nhưng mức tăng của những tháng đầu năm 2024 đã đến ngưỡng để bù được sụt giảm của năm ngoái, và trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, thì việc xuất nhập khẩu của chúng ta có thể tăng tiếp sẽ rất khó khăn. Tức là “cả làng” sẽ tăng chậm lại, và Việt Nam mình cũng bị chậm lại, chứ không thể kỳ vọng là xuất khẩu nửa cuối năm tiếp tục tăng đến 15% như nửa đầu năm được.
Triển vọng xuất nhập khẩu như vậy, về kinh tế trong nước ông đánh giá thế nào?
Tôi cho rằng kinh tế nội địa vẫn còn nhiều khó khăn. Cả doanh nghiệp, tiêu dùng trong nước, đầu tư trong nước đều đang còn nhiều khó khăn, chưa phục hồi được. Ví dụ như nửa đầu năm, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 5,8%; hay tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp (so với nền năm ngoái cũng đã rất thấp)… qua đó hình dung được khó khăn trong nước còn rất lớn.
Về lý thuyết, phần tổng cầu gồm có tiêu dùng (tiêu dùng tư nhân và tiêu dùng Chính phủ), đầu tư (đầu tư tư nhân, đầu tư Chính phủ) và xuất nhập khẩu. Bây giờ, tạm để phần xuất nhập khẩu ra một bên (vì chủ yếu là khối ngoại và phụ thuộc thị trường bên ngoài), thì thấy các yếu tố trong nước đó đều khó khăn: Tiêu dùng tư nhân yếu; đầu tư tư nhân gần như dậm chân tại chỗ; chi tiêu Chính phủ thì cơ bản là vẫn như các năm trước; đầu tư công vẫn bình bình... Tức 4 yếu tố nội địa đấy đều vẫn khó khăn. May ra thì có thể đợt điều chỉnh lương vừa qua sẽ giúp nhích được một chút cầu nội địa. Quá trình và kết quả thực hiện đầu tư công đến nay mặc dù cho thấy nhiều cố gắng, song kết quả hiện cũng chưa được như kỳ vọng… Và các yếu tố đấy dẫn đến khả năng kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức độ thấp hơn trong nửa cuối năm.
Để đạt được mục tiêu GDP năm 2024 tăng trưởng như Chính phủ kỳ vọng (6,5-7%) thì động lực chính là gì, theo ông?
Bên cạnh kỳ vọng thương mại xuất nhập khẩu dù giảm nhưng vẫn sẽ đóng vai trò tích cực, thì động lực chính và mang tính lâu dài hơn vẫn phải là trong nước. Làm sao có các biện pháp dứt khoát, quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và tài khóa để kích cầu trong nước, bao gồm cả tiêu dùng tư nhân, tiêu dùng Chính phủ và đầu tư Chính phủ. Ba yếu tố này phải “chạy” trước thì đầu tư tư nhân mới “chạy” được.
Trong những động lực trên, Chính phủ chủ yếu cần tập trung vào tài khóa để làm sao chi tiêu công hiệu quả hơn, nhanh hơn. Về mặt chính sách, định hướng là đúng và đã sẵn sàng rồi (dùng công cụ tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng), vấn đề chỉ là làm sao thực hiện cho hiệu quả thôi. Ví dụ ngân sách năm nay đã được phê duyệt cho phép thâm hụt ở mức 3,7% GDP, nhưng vẫn lo là đến lúc chi tiêu thực thì không chi được hết. Nên bây giờ, cái tạm gọi là “điểm nghẽn” là ở đoạn làm sao để triển khai thực hiện được cho hiệu quả hơn. Như năm ngoái, ngân sách thực hiện so với phê duyệt chỉ là 83%. Năm nay, nếu đưa mức thực hiện lên được trên 90% thì sẽ tác động rất tích cực.
Xin cảm ơn ông.