Thị trường F&B cạnh tranh khốc liệt
Nhà đầu tư ngoại gia nhập thị trường F&B Việt |
Từ năm 2023 trở lại đây, thị trường F&B trong nước chứng kiến sự đổ bộ của nhiều thương hiệu quốc tế. Điển hình là trong tháng 3/2024, trên thị trường trà sữa tại Hà Nội chứng kiến sự xuất hiện một thương hiệu lớn của Thái Lan là Chatramue (hiện đang sở hữu 100 cửa hàng trà sữa ở Thái Lan và hơn 40 cửa hàng tại Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc). Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 50% thương vụ nhượng quyền được ký kết tại Việt Nam là thuộc lĩnh vực F&B.
Những diễn biến tại thị trường phản ánh sức hấp dẫn và tiềm năng của ngành kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam. Báo cáo từ Công ty CP iPOS.vn cho thấy, năm 2023 vừa qua doanh thu ngành F&B tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 11,47%. Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam có thể chạm mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng.
Lý do khiến thị trường F&B trở nên hấp dẫn là bởi sự thay đổi hành vi người dùng trở nên hiện đại và sẵn sàng chi tiêu hơn. Việt Nam được mong đợi trở thành top 3 quốc gia châu Á trong lĩnh vực kinh doanh F&B. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường và việc nhiều thương hiệu mới nổi trong và ngoài nước xuất hiện chắc chắn dẫn đến cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, cuộc chiến thị phần sẽ trở nên gay gắt hơn. Một chuyên gia trong ngành này nhận định, xét về giá trị sản xuất, F&B là ngành có giá trị và tổng doanh thu rất lớn trong cơ cấu kinh tế.
Không dễ để cạnh tranh trên thị trường F&B |
Điển hình như trà sữa, nhiều thương hiệu vài năm trước từng không ngừng tăng tốc mở cửa hàng thì nay lần lượt đóng cửa, nhường chỗ cho các tên tuổi mới… Kẻ đến thì cũng có người đi, “-18 độ C” - chuỗi trà sữa một thời nổi danh tại TP.Hồ Chí Minh xuất hiện từ năm 2005 đã tuyên bố đóng cửa trước làn sóng các thương hiệu quốc tế và trà sữa đặc sản mà đại diện tiêu biểu như Phê La, Lasimi.
Tương tự, các chuỗi kinh doanh cafe cũng đang chiến đấu để “giành giật” thị phần. Nhiều chuỗi tăng cường đầu tư, mở rộng cửa hàng. Khác với trà sữa, thị trường cafe lại chứng kiến sức sống mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước, với hàng trăm thương hiệu và hàng ngàn cửa hàng đủ các thể loại, từ cửa hàng flagship đến kiosk, pop-up… Tiêu biểu là Phúc Long, thương hiệu từng khiến Masan, một doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để giành quyền chi phối này đang sở hữu khoảng 147 cửa hàng flagship tính đến cuối năm 2023, chưa kể doanh nghiệp này từng đóng cửa 150 điểm bán diện tích nhỏ để tái cơ cấu.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường F&B có tính đào thải cao, để phát triển bền vững đòi hỏi các thương hiệu không được chậm nhịp với các xu hướng mới được khách hàng yêu thích. Theo chuyên gia vận hành F&B Nguyễn Thái Bình, các chủ doanh nghiệp phải luôn làm mới mình, nghiên cứu sản phẩm và cập nhật để có thêm tệp khách hàng mới trẻ trung hơn. Việc thay đổi nhận diện thương hiệu cũng rất quan trọng.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, thị trường F&B luôn có nhiều biến đổi, không những đòi hỏi các thương hiệu phải thích ứng linh hoạt với xu hướng mới của thị trường, mà còn cần tạo ra cơ hội mới và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình.
Mô hình bán lẻ F&B truyền thống phải cần được thay thế bởi bán hàng trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline). Đây có thể là chiến lược giúp các doanh nghiệp tham gia vào thị trường F&B giảm thiểu những áp lực từ việc đầu tư vào cơ sở vật chất. Thay vào đó, tập trung chuyển đổi số, đầu tư vào marketing trên các nền tảng mạng xã hội. Thay đổi và thích nghi phù hợp là những mấu chốt giúp các doanh nghiệp sinh tồn trong một thị trường F&B cạnh tranh đầy khốc liệt.