Thị trưởng Khu Tài chính London: Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ
Thị trưởng Khu Tài chính London, ông Michael Mainelli |
Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam?
Thị trưởng Michael Mainelli: Nhìn từ góc độ quốc tế, Việt Nam là một thị trường cận biên đang chuyển mình mạnh mẽ thành thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã vượt hầu hết các nước ASEAN trong thập kỷ vừa qua, kể cả trong đại dịch COVID-19, là minh chứng rõ ràng. Chính phủ Việt Nam đã huy động các nguồn lực hiệu quả, nhanh chóng triển khai tiêm chủng và quản lý tốt đất nước trong giai đoạn đại dịch khó khăn, giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Việt Nam hiện có độ cởi mở trong thương mại lên tới 200% GDP, một con số ấn tượng. Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đạt được thặng dư thương mại với nhiều đối tác quan trọng như Anh, Hoa Kỳ và phần lớn EU. Đây là những dấu hiệu rất tích cực cho tương lai nền kinh tế.
Dự kiến việc gia nhập CPTPP của Anh sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Điều này sẽ tác động như thế nào đến quan hệ thương mại giữa Anh và Việt Nam trong thời gian tới?
Thị trưởng Michael Mainelli: Chúng tôi tin tưởng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa thương mại Anh-Việt trong thời gian tới. Nhờ việc đạt được sự phê chuẩn Nghị định thư gia nhập của chúng tôi (Anh) từ 6 nước thành viên, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/12/2024. Thỏa thuận này sẽ mở ra những đường hướng mới cho tăng trưởng kinh tế, cơ hội mới cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ mạnh mẽ và nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong suốt thời gian qua, trong đó có việc Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập của chúng tôi vào tháng 6 vừa qua.
Anh và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư lâu dài. Các doanh nghiệp và ngân hàng lớn của Anh như KPMG, Prudential, HSBC, Standard Chartered… đã hoạt động tại Việt Nam trong nhiều năm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực tài chính, kinh doanh cũng như cả nền kinh tế. Vương quốc Anh đang đứng thứ 15 trong số các nước có đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Anh thể hiện sự quan tâm đến việc mở rộng sang thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo…
Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước có nhiều tiềm năng phát triển. Để mở khóa những cánh cửa cơ hội này, bên cạnh Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) đã có hiệu lực từ năm 2021, tới đây chúng ta còn có CPTPP. Các hiệp định này đã và sẽ giúp xóa bỏ dần hầu hết các dòng thuế quan và tăng cường đối thoại song phương về các vấn đề liên quan đến tiếp cận các thị trường quan trọng.
Ngoài ra, Anh đang hợp tác với tổ chức TheCityUK để hỗ trợ Việt Nam phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC). TheCityUK đã cung cấp các khuyến nghị từ các chuyên gia hàng đầu trong việc phát triển các IFC khác trên thế giới. Điều này sẽ giúp Việt Nam có nền tảng phát triển thị trường tài chính quốc tế vững mạnh, đồng thời tận dụng lợi thế từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của mình.
Về IFC, theo ông đâu là những điểm mạnh và thách thức của Việt Nam trong việc phát triển IFC và Vương quốc Anh có thể hỗ trợ Việt Nam ra sao?
Thị trưởng Michael Mainelli: Có 5 yếu tố cần thiết để phát triển một IFC bao gồm: (i) Môi trường kinh doanh tốt, (ii) Cơ sở hạ tầng tốt, (iii) Nguồn nhân lực tốt, (iv) Chất lượng cuộc sống tốt, (v) Hệ thống tài chính tốt. Việt Nam đang và sẽ phải đối diện với một số thách thức. Tuy nhiên, không có thách thức nào là không thể vượt qua.
Việc đầu tiên là cần phân chia và thực hiện kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn. Không nên cố gắng ngay lập tức trở thành một Singapore hay London mà hãy thực hiện theo từng bước một và theo cách riêng của mình bằng cách tập trung trước hết vào nền kinh tế trong nước. Một trong những điều tôi muốn nhấn mạnh là ngay bây giờ Việt Nam cần có một mục tiêu muốn hướng tới. Tuy nhiên hãy đảm bảo rằng luôn thay đổi theo thực tế khi thực hiện các kế hoạch.
Lý do tôi nói vậy là vì còn có rất nhiều những việc trong nước phải làm như nâng các chuẩn mực kế toán trong nước, xây dựng và phát triển quỹ hưu trí cũng như tiết kiệm, đảm bảo rằng những khoản đầu tư đó có hiệu quả… Ngoài ra còn có một số điều có thể thực hiện tại trong nước để củng cố thị trường tài chính. Ví dụ, để phát triển tài chính xanh, sẽ rất tốt khi có được một hệ thống giao dịch khí thải, hệ thống này sẽ phản ánh giá của carbon và chứng minh rằng Việt Nam đang giảm lượng phát thải cùng lúc. Hiện nay, khoảng 23% lượng phát thải trên thế giới được bao phủ bởi một hệ thống giao dịch như vậy. Vì vậy, Việt Nam cũng có thể cùng tham gia với các thị trường này.
Cùng với đó, cần nỗ lực hết sức để phát triển thương mại trong khu vực. Có cả một khu vực thương mại và đầu tư lớn để Việt Nam hướng tới. Việt Nam có thể lựa chọn mở rộng phát triển trong 3-4 lĩnh vực. Ví dụ, đó có thể là các hàng hóa nông sản và phát triển một số thị trường hàng hóa trong nước để định giá cho các mặt hàng nông sản. Điều này không nhất thiết yêu cầu thị trường quốc tế, điều quan trọng là nó sẽ phản ánh cách thức định giá đang diễn ra tại Việt Nam, như giá cà phê là bao nhiêu, giá của một số loại cá là bao nhiêu, giá gỗ là bao nhiêu…
Một lĩnh vực khác mà Việt Nam có thể xem xét là trái phiếu đô thị. Các nhà đầu tư thường tập trung vào cổ phiếu doanh nghiệp mà quên mất thị trường này trong khi trái phiếu đô thị rất quan trọng. Hay Việt Nam cũng có thể xem xét thêm các dự án năng lượng xanh và liên quan đến năng lượng xanh, bởi nó phù hợp với định hướng của Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) do đó có thể thu hút và tạo ra nguồn tiền. Việt Nam có thể tập trung đầu tư vào các lĩnh vực này và cần theo dõi tiến trình của các dự án đó. Nếu chúng được lựa chọn kỹ lưỡng, hiệu quả và đem lại lợi ích cho người dân thì Việt Nam sẽ càng có nhiều cơ hội hơn nữa.
Tài chính xanh và tín dụng xanh là những thuật ngữ được nhắc đến ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Vương quốc Anh có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này như thế nào để đạt được cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?
Thị trưởng Michael Mainelli: Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và giảm phát thải. Một trong những sáng kiến lớn là JETP, với cam kết tài chính lên tới 15,5 tỷ USD từ các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân, nhằm giúp Việt Nam huy động đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và giảm dần sự phụ thuộc vào than đá, hỗ trợ thực hiện cam kết mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài khoản tài trợ, Vương quốc Anh còn có các chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh ở các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, Vương quốc Anh đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang tương lai phát thải ròng bằng 0, tăng khả năng chống chịu với khí hậu và phát triển theo hướng thân thiện với thiên nhiên thông qua các chương trình và dự án đa dạng, trong đó bao gồm dự án Hợp tác thúc đẩy chuyển dịch vì khí hậu (UK PACT) cung cấp các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào giảm thiểu biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính xanh.
Dự án “Mở khóa Tài chính xanh thông qua việc công bố Rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu” của UK PACT, do Ernst and Young và The Asia Foundation đồng thực hiện, đang hợp tác với Cục Phát triển Doanh nghiệp và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để giúp các doanh nghiệp trong nước đưa rủi ro và cơ hội về khí hậu vào chiến lược kinh doanh của họ nhằm cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính bền vững.
Một dự án khác trong khuôn khổ UK PACT đang hỗ trợ về công bố thông tin trái phiếu xanh của, do tổ chức Carbon Trust thực hiện, hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hoàn thiện hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh và xây dựng nhận thức cũng như năng lực cần thiết cho các bên tham gia thị trường nhằm tăng cường phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!