Thị trường ô tô cuối năm: Xe ngoại còn “đè’” xe nội?
Sở hữu ôtô khi chưa đủ khả năng tài chính | |
[Infographic] Thị trường ô tô tháng 8/2019: Giảm tháng thứ hai liên tiếp |
Lại chiêu giảm giá sâu
Tiên phong trong chiến dịch giảm giá phải nhắc đến “anh cả” trong doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước - THACO. Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) THACO đã tung ra chương trình ưu đãi đối với hầu hết các mẫu xe Mazda trong tháng 8/2019. Trong đó, Mazda CX-5 có mức ưu đãi cao nhất. Theo đó, khách hàng mua xe Mazda CX-5 trong tháng 8/2019 sẽ nhận được gói ưu đãi đặc biệt với tổng giá trị cao nhất lên đến 100 triệu đồng.
Ngoài Mazda CX-5, nhiều mẫu xe khác của THACO cũng được giảm giá, như mẫu xe bán tải Mazda BT-50 giảm giá tới 40 triệu đồng, Mazda3 giảm tới 30 triệu đồng, hai mẫu khác là Mazda2 và Mazda6 được giảm 20 triệu đồng kèm các phần quà khác.
Tiếp bước THACO, Toyota - một trong những thường hiệu được ưa chuông nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam - đã mở đầu chiến dịch giảm giá bằng mẫu SUV 7 chỗ ăn khách nhất Toyota Fortuner với một số đại lý ưu đãi từ 10-60 triệu đồng, tùy phiên bản. Cùng với Toyota Fortuner, Innova, Corola Altis đang ưu đãi giảm từ 40-64 triệu đồng, ngày 5/9 Toyota Việt Nam tiếp tục cập nhật chương trình ưu đãi, nâng mức giảm cho các mẫu xe này lên từ 20-35 triệu đồng. Trong đó, giảm cao nhất là Fortuner phiên bản 2.4G4x2 MT máy dầu lên đến 89 triệu đồng (gồm 54 triệu tiền lệ phí trước bạ + thẻ xăng dầu 10 triệu + 25 triệu tiền mặt).
Đồng thời, Toyota bổ sung thêm khuyến mãi dành cho các mẫu xe Vios, Wigo, Hilux, Camry giảm từ 20-40 triệu đồng. Cụ thể, Toyota Camry bản 2.0G giá 1,029 tỷ đồng được giảm 20 triệu đồng tiền mặt, khuyến mãi thêm dán kính, trải sàn. Bán tải Toyota Hilux bản 2.8G 4x4 AT giảm 25 triệu đồng tiền mặt. Yaris giảm 30 triệu đồng; Vios giảm từ 15-20 triệu đồng tùy theo phiên bản. Mẫu xe giá rẻ nhất trong nhà Toyota cũng được giảm 25-40 triệu đồng trong tháng này.
Xuất chiêu mẫu xe mới
Ngoài việc giảm giá các mẫu xe thì các hãng cũng tranh thủ dịp cuối năm để đưa ra những mẫu xe mới. THACO đưa ra mẫu xe Mazda 8, một mẫu xe SUV đa dụng được lắp ráp tại nhà máy THACO lần đầu ra mắt.
Thương hiệu KIA có mẫu sedan hạng B - Kia Soluto 2019, chính thức ra mắt thị trường Việt Nam với 3 phiên bản, đi kèm giá bán cực kỳ cạnh tranh với những xe cùng phân khúc, chỉ từ 399 triệu đồng.
Ngày 12/9, Ford Việt Nam chính thức ra mắt dòng xe Ford Tourneo hoàn toàn mới, dòng xe đa dụng 7 chỗ (MPV) được sản xuất tại nhà máy Ford ở Hải Dương. Ford Tourneo có hai phiên bản là Titanium và Trend, đi kèm giá bán khởi điểm từ 999 triệu đồng.
Thị trường xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cũng đón một làn gió mới khi những sản phẩm ô tô đầu tiên mạng thương hiệu Việt Nam, do nhà máy ô tô Vinfast sản xuất bán ra với phương châm “3 Không” (không chi phí đầu tư, không chi phí tài chính và không lợi nhuận của doanh nghiệp) và chính sách bán hàng được vẫn tiếp tục áp dụng với mầu xe sedal cỡ nhỏ trong phân khúc hạng A là Vinfast Fadil.
Cùng với việc ra mắt mẫu xe nhỏ Vinfast Fadil thì mẫu SUV LuxSA 2.0 và mãu Sedan LuxA 2.0 cũng được tung ra vào dịp những tháng cuối năm làm phong phú thêm cho thị trường xe trong nước và giúp cho người tiêu dung có thêm nhiều lựa chọn hợp lý.
Ô tô nhập đổ bộ
Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang đứng trước thách thức từ xe ngoại nhập. Theo ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 8 tháng đầu năm 2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14% (giảm hơn 20.000 xe) so với cùng kỳ năm ngoái với lượng xe bán ra đạt 119.244 xe. Trong khi đó, xe nhập khẩu tăng 178% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 53.081 xe) và đạt 82.823 xe.
Theo một số những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất ô tô cho rằng, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0% đã tạo ra cạnh tranh gay gắt. Trong đó, đối thủ Thái Lan là nặng ký nhất.
Thái Lan với nền công nghiệp ô tô đã phát triển, có quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn toàn cầu, có thể xuất khẩu đi Mỹ, EU, Úc... Với sản lượng lớn và lợi thế cạnh tranh về giá, ô tô Thái Lan sẽ khiến các doanh nghiệp ô tô của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thậm chí là rủi ro.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 8/2019, Việt Nam đã chi 2,136 tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng) để nhập khẩu 95.929 ô tô nguyên chiếc các loại, trong đó ô tô nhập khẩu từ Thái Lan chiếm hơn 50%. Với đà này, dự kiến cả năm 2019 kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD với khoảng 80.000 xe.
Giá xe nhập bình quân từ Thái Lan hiện nay là 19.369 USD/chiếc (tương đương hơn 450 triệu đồng), chưa bao gồm các loại thuế phí. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, giá xe nhập từ Thái Lan sẽ còn giảm, dự báo sẽ xuống dưới 400 triệu đồng, do thị trường này đang bão hòa và sản lượng ô tô tăng nhanh nên có những chính sách khuyến khích xuất khẩu và dĩ nhiên cái đích quan trọng nhất hướng đến là thị trường ô tô tiềm năng, màu mỡ của Việt Nam.
Cuộc chơi mới - xe lai
Tuy đã có tới gần 30 năm phát triển cùng với vô vàn những chính sách ưu đãi những nền công nghiệp ô tô Việt Nam dường như chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp với tỷ lệ nội địa hoá chỉ mới đạt khoảng 10-15%, trong khi 3 nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có tỷ lệ nội địa hóa bình quân trên 70%, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và phân tích của CTCP Chứng khoán VietinBank.
Chính vì tỷ lệ nội địa hóa thấp đã khiến giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn 10%, thậm chí giá thành sản xuất xe Ford Fiesta tại Việt Nam còn cao hơn 20% so với các nước trong khu vực, đại diện hãng Toyota Việt Nam cho biết.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung, gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị ngành ô tô, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp vào khâu lắp ráp, phân phối, bán hàng và chăm sóc khách hàng (vỏ xe, lắp ráp, sơn, hoàn thiện…), chiếm khoảng 15% tổng giá trị xe. Còn khâu thiết kế, sản xuất linh kiện, phụ tùng cấp 1, cấp 2… ước tính chiếm gần 60% giá trị thành phẩm xe thì các doanh nghiệp ô tô nội địa Việt Nam hoàn toàn bị động.
Do đó, cần gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành ô tô Việt Nam, như mục tiêu của Vinfast sẽ nâng tỷ lệ nội địa hoá ô tô Việt lên mức 60% và dần tiến tới sản xuất ô tô điện. Đây là một hướng phát triển mới và triển vọng cho các nhà sản xuất ô tô trong nước.
Phát biểu về hướng đi mới cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tạo Việt Nam, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA, cho rằng trước tiên có thể phát triển xe lai, nhưng cần phải có chi phí bổ sung để sản xuất ra dòng xe này.
“Tôi không nghĩ có những công nghệ có thể ứng dụng ngay tại Việt Nam, vì điều này còn phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở, hay nhiệt độ môi trường… Nhưng để làm được tôi cho rằng cần sự chung tay giữa chính quyền và các nhà sản xuất ô tô để lựa chọn công nghệ sạch cho Việt Nam”, ông Toru Kinoshita nói.