TP. Hồ Chí Minh: Hoàn thiện các mô hình hợp tác xã trong phát triển kinh tế tập thể
Theo đó, năm 2024, tổng số HTX trên địa bàn thành phố là 787 đơn vị đăng ký hoạt động, đạt 103,28% so với thực hiện năm 2023 trong đó có 30 HTX thành lập mới trong năm. TP. Hồ Chí Minh có 14 liên hiệp HTX đăng ký hoạt động và 2.746 tổ hợp tác. Thu nhập bình quân một lao động thường xuyên trong HTX trên địa bàn thành phố khoảng 72 triệu đồng/năm, đạt 104,3% so với trước.
Các HTX nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã từng bước phát triển về số lượng, quy mô sản xuất và hiệu quả hoạt động đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế tập thể thành phố |
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết trong giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển 150 HTX, 2 liên hiệp HTX: kết quả giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2024, đã phát triển 132 HTX (đạt 88% mục tiêu) và 1 liên hiệp HTX (đạt 50% mục tiêu); tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể của thành phố đạt 3%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố là 0,5%.
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố, nhiều loại hình HTX phục hồi nhờ mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển mở rộng gắn với quy hoạch vùng sản xuất; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thành viên; đẩy mạnh liên kết phát triển mạnh trong cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; liên kết giữa các thành viên và các HTX, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế; góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động; trong đó xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Mô hình HTX xuất hiện đa dạng ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, vệ sinh môi trường,... Đặc biệt, mô hình HTX nông nghiệp đã từng bước phát triển về số lượng, quy mô sản xuất và nâng dần hiệu quả hoạt động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế HTX của thành phố. Các HTX hoạt động có hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của hộ nông dân trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đưa hộ nông dân trở thành đối tượng tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, giá sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Để quỹ hỗ trợ phát triển HTX hoạt động xuyên suốt, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết, cho phép các quỹ HTX đã thành lập và đang hoạt động trước thời điểm Nghị định số 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực, chưa hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP tiếp tục được hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, hồ sơ pháp lý hiện có.
Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đưa nội dung hướng dẫn về hồ sơ, trình tự đăng ký lại Giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với Quỹ trợ vốn xã viên HTX thành phố nói riêng và các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hoạt động theo mô hình HTX nói chung vào Nghị định hướng dẫn Luật HTX năm 2023 sắp được ban hành.
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất trong trường hợp Nghị định hướng dẫn Luật HTX năm 2023 đã ban hành nhưng không có các nội dung quy định về đăng ký Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương hoạt động theo mô hình HTX. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành các nội dung quy định dành riêng cho việc đăng ký Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương hoạt động theo mô hình HTX để đảm bảo cho hoạt động của Quỹ trợ vốn xã viên HTX thành phố được xuyên suốt và đúng theo các quy định hiện hành.