TP.HCM: Tăng tỷ lệ trích để lại từ thu phí hạ tầng cảng biển lên 2,5%
Vào tháng 12/2020, HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố (gọi tắt là thu phí hạ tầng cảng biển).
Theo đó, năm 2022, dự kiến số phí thu được là là 3.037 tỷ đồng (12 tháng) thực tế số phí thu được chỉ là 1.862,4 tỷ đồng (9 tháng, từ 1/4/2022-31/12/2022 do lùi thời gian thu phí). Đồng thời, phát sinh việc miễn, giảm phí theo quy định tại Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND dẫn đến số thu phí giảm và số tiền được trích để lại cũng giảm. Toàn bộ số thu phí sử dụng công trình cảng biển sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách thành phố để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố.
TP.HCM tăng tỉ lệ trích để lại đối với phương tiện ra vào cảng trong thu phí hạ tầng cảng biển lên 2,5% |
Theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND quy định tỷ lệ để lại cho đơn vị thu phí không quá 1,5% trên tổng số phí thu được là 27,93 tỷ đồng phục vụ công tác thu phí. Trong khi đó, số dự kiến chi được để lại năm 2022 là 27.93 tỷ đồng, trong đó chi phí thực tế đã phát sinh từ ngày 1/4/2022 đến 31/12/2022 hơn 3 tỷ đồng. Số dự kiến chi trong năm 2022 nhưng chưa đủ điều kiện chi chuyển sang năm 2023 tiếp tục thực hiện là 24.927.262.363 đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở yêu cầu kỹ thuật khi triển khai hệ thống thu phí hạ tầng, cảng biển, số chi thực tế của năm 2022 là 24.770.586.755 đồng (27,93 tỷ đồng - 3,2 tỷ đồng) tương đương với tỷ lệ được để lại là 1,33% trên tổng số phí thu được.
Căn cứ số liệu thực tế năm 2022, năm 2023 dự kiến phát sinh tổng chi phí tăng so với năm 2022 là 23,91 tỷ đồng trong đó chi phí tăng chủ yếu do thuê dịch vụ phục vụ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin số tiền tăng là 14,615 tỷ đồng, chiếm đến 76,55% các khoản chi phí phát sinh tăng. Ngoài ra, dự kiến số thu năm 2023 thấp hơn so với số thực thu năm 2022 do thực hiện giảm phí mức phí và miễn phí đối với một số loại hàng hóa theo quy định tại Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND. Và tổng chi phí dự kiến chi phục vụ cho công tác thu phí năm 2023 là 48,751 tỷ đồng. Như vậy, đối với dự toán năm 2023 với tỷ lệ để lại 1,5% trên tổng số thu phí theo quy định tại Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND và tỷ lệ để lại theo thực tế của năm 2022 là 1,33% trên tổng số thu phí sẽ không đủ để đảm bảo chi phí phục vụ cho công tác thu phí.
Trước đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND về thu phí hạ tầng cảng biển, để phù hợp với tình hình thực tế góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội, HĐND thành phố đã ban hành 3 Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND xung quanh nội dung tỷ lệ trích để lại được quy định tại khoản 4 Điều 1. Chính vì vậy, UBND TP.HCM cho rằng nếu tiếp tục đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND thì tất các các khoản của Điều 1 đều được sửa đổi bổ sung nhưng bằng nhiều Nghị quyết khác nhau (4 Nghị quyết) dẫn đến việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật sẽ gặp khó khăn.
“Để đảm chi phí cho hoạt động thu phí của năm 2023, sau một năm thực hiện, UBND TP.HCM trình HĐND thành phố thay thế Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, trong đó, đề xuất tỷ lệ trích để lại từ năm 2023 trở đi là 2,5% trên tổng số phí thu được. UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét quyết định ban hành Nghị quyết thay Nghị quyết số 10/2020/NQ- HĐND để thuận tiện trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật”, ông Mãi cho biết.