TP.Hồ Chí Minh: Tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng
Cụ thể là so với cùng kỳ năm 2022, 4 tháng tăng 1,4%, 5 tháng tăng 1,6%, 6 tháng tăng 1,9%, 7 tháng tăng 2,4%, 8 tháng tăng 2,8%, 9 tháng tăng 3,2%, 10 tháng tăng 3,7% và 11 tháng tăng 4,1%.
Tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.Hồ Chí Minh tăng trưởng |
Theo đó, tháng 11 ước tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 9,8% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,7%).
Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố nhận định ngành công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo, có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 nhóm ngành trọng điểm 11 tháng năm 2023 ước tăng 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn 2,2 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Trong đó, ngành hóa dược - cao su - nhựa chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 18,05% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành này tăng 19,05%. Trong đó ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất ước tăng 9,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ước tăng 30,7% so cùng kỳ.
Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành cơ khí tháng 11 ước tăng 5,3% so tháng trước và tăng 19,9% so tháng 11 năm 2022; lũy kế 11 tháng ước tăng 7,4% (cùng kỳ tăng 11,0%). Chỉ số sản xuất ngành điện tử tháng 11 cũng ước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 13,0% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 11 tháng ước tăng 6,0% (cùng kỳ chỉ tăng 1,2%).
Riêng ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống của thành phố tháng 11 có chỉ số sản xuất tăng 8,3% so với tháng trước nhưng giảm 0,03% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng ước giảm 5,9% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022). Về điều này, lãnh đạo ngành công thương TP.Hồ Chí Minh cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm còn khó khăn do xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU,... đã khiến đơn hàng xuất khấu giảm. Trong nước, các doanh nghiệp còn khó khăn về chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, giá nguyên liệu tăng trong khi đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, giá bán không tăng nhiều. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương đẩy mạnh hợp tác kết nối giao thương, liên kết vùng, các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra các tỉnh, thành; tăng cường nội địa hóa sản phẩm, tìm thêm nhà cung ứng nguyên liệu phù họp; thực hiện chuyển giao công nghệ và thành lập mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm ở các địa phương khác để đưa về tiêu thụ ở tại thành phố.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cho biết nhằm góp phần tăng tổng cầu, kích thích sức mua của người dân, trong tháng 12, Sở sẽ tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu tập trung giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023, với các chuỗi sự kiện Hội nghị chuyên đề cũng như xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của các địa phương, vùng miền. Song song đó, triển khai Chương trình khuyến mại “Mùa mua sắm - Shopping Season” (đợt 2) trong đó tập trung tổ chức sự kiện Khuyến mại hàng hiệu “Flash Sale Holiday” từ ngày 13 đến ngày 18/12/2023 tại Khu vực trung tâm Quận 1.
“Thành phố tiếp tục triển khai Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn; tổ chức khảo sát nguồn hàng tại các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và doanh nghiệp bình ổn trên địa bàn; phối họp các quận, huyện rà soát cân đối cung - cầu thị trường, theo dõi tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều phối phù hợp, đảm bảo ổn định thị trường vào các tháng cuối năm 2023”, ông Tú cho biết.