Triển vọng chứng khoán Việt Nam là tích cực
Trong khi nền kinh tế còn những thách thức, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn khi GDP tăng trưởng 3,32% trong quý I/2023. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kết quả này dù thấp hơn mục tiêu đã đề ra nhưng được đánh giá là một mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, trong quý I/2023, một số động lực chính khác cho tăng trưởng kinh tế như khu vực dịch vụ đã tăng tốt 6,79%, trong khi đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng 2,52%... Ngoài ra, đầu tư công, một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, cũng đang được Chính phủ đẩy mạnh.
Về chính sách tiền tệ, NHNN cũng đã thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, áp lực lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ cũng đã và đang hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn của thế giới.
Với những yếu tố trên, các tổ chức tài chính quốc tế uy tín như World Bank hay ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 vẫn sẽ đạt trên 6%, cao hơn mức 4,6% mà IMF dự báo chung cho nền kinh tế Châu Á.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8, ông Chung Jae Hoon, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, dù sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nhưng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ dần phục hồi vào quý II, tăng trưởng rõ rệt hơn kể từ quý III và quý IV với mức tăng trưởng dự báo sẽ đạt trên 6% trong năm 2023.
Về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố hấp dẫn về định giá, tăng trưởng, cơ hội đầu tư và sự ổn định tỷ giá để thu hút dòng vốn ngoại.
Đánh giá kết quả kinh tế Việt Nam ông Hoon cho rằng nếu so sánh với các nước lân cận châu Á thì GDP quý I/2023 của Việt Nam xếp thứ 2 sau Trung Quốc và trước Singapore, Hàn Quốc.
Kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự đoán tăng trưởng suy yếu do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I được đánh giá là khả quan.
Tuy nhiên, con số tăng trưởng 3,32% trong quý I/2023 là thách thức khá lớn cho nền kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2023.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều giải pháp để vực dậy nền kinh tế. Về chính sách tiền tệ, đã giảm lãi suất điều hành, đưa ra gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhà ở xã hội, quy định về cơ cấu thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu chính phủ, điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn.
Về chính sách tài khóa, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm quốc gia, dự án địa phương, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; đề xuất giảm thuế VAT và hoãn giảm thuế các loại thuế khác.
Đồng thời, sửa đổi các quy định, cởi trói cho các lĩnh vực khó khăn như bất động sản.
Các chính sách nêu trên được cho là kịp thời và tập trung vào những lĩnh vực khó khăn, qua đó góp phần vực dậy nền kinh tế.
Nhận định về sự lệch pha trong phản chiếu giữa kết quả nền kinh tế và thị trường chứng khoán, ông Chung Jae Hoon cho biết, sự lệch pha này ở chỗ thị trường chứng khoán Việt Nam là sự kỳ vọng và luôn đi trước các chuyển biến về vĩ mô và doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện phụ thuộc vào dòng tiền nhiều hơn là phụ thuộc tăng trưởng GDP thực của nền kinh tế.
Cụ thể, việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá mạnh, VND cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này, dẫn đến dòng vốn ngoại từ mua ròng đã chuyển sang bán ròng mạnh.
Ngoài ra, việc nâng lãi suất điều hành để giảm áp lực lên tỷ giá giữa USD và VND làm tăng gánh nặng chi phí của các doanh nghiệp.
Như vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khiến dòng vốn có xu hướng hạn chế vào các lĩnh vực rủi ro cao hơn như chứng khoán hay bất động sản.
Với những "nút thắt thanh khoản” trên cả ba trụ cột của thị trường tài chính là thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán khi bước vào chu kỳ điều chỉnh thời qua qua.
Hơn nữa, những tháng đầu năm 2023, sau khi vừa trải qua một năm đầy khó khăn, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang thận trọng, đặc biệt là trong điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp không quá khả quan.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động dù giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến thanh khoản chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Nhìn chung, giai đoạn hiện nay chưa có yếu tố có thể kích thích dòng tiền mua ròng trong ngắn hạn.
Các định chế tài chính lớn, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận Việt Nam đang là một nền kinh tế đầy triển vọng tại châu Á Thái Bình Dương, khu vực tâm điểm kinh tế thế giới của thế kỷ 21, với tốc độ tăng trưởng tốt nhờ vào nhiều yếu tố.
Đầu tiên là hệ thống chính trị ổn định tạo ra môi trường kinh doanh cởi mở và ngày càng cải thiện.
Thứ hai, Việt Nam có lợi thế thu hút nguồn vốn quốc tế, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh và đẩy nhanh cải tiến công nghệ.
Thứ ba, thị trường tiêu dùng nội địa tăng trưởng tốt nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng.
Yếu tố cuối cùng là kinh tế vĩ mô ổn định, nhờ sự cải thiện tích cực từ cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và chính sách điều hành linh hoạt nên tránh được các cú sốc từ bên ngoài và phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh.
Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cũng nhận thấy Việt Nam gặp một số khó khăn liên quan đến sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề nội tại liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho rằng đây chỉ là những khó khăn mang tính tạm thời và Việt Nam còn có dư địa để cải thiện môi trường đầu tư.
"Theo đánh giá của chúng tôi, thị trường chứng khoán đang có mức định giá P/E 11,4 lần và P/B 1,65 lần là mức định giá hợp lý và hấp dẫn so với tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn", ông Chung Jae Hoon nói thêm.