VBF 2017: Tăng kết nối DN trong nước với DN FDI
Hàng ngàn tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp | |
Doanh nghiệp lớn lên nhờ kết nối | |
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp dịch chuyển |
Ảnh: Nguyễn Tuyền |
DN nội địa vẫn bị bỏ lại phía sau
Thuyết minh cho chủ đề này, ông Hirohide Sagara, Trưởng đại diện Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - hai vị đồng chủ tịch VBF 2017 nhấn mạnh: Sự thay đổi của các chính sách toàn cầu đã đặt ra nhiều thời cơ, thách thức và yêu cầu đổi mới cho Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới việc thu hút đầu tư vào khu vực tư nhân.... Trong khi trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, sự liên kết giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài và các DN trong nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng để phát triển mạnh các mối liên kết này”, ông Hirohide Sagara phát biểu.
Nhưng, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các DN trong nước còn rất hạn chế.
Trước giờ khai mạc Diễn đàn, các vị đồng chủ tịch và đại diện hiệp hội DN đã cùng trao đổi vấn đề tăng kết nối FDI với DN tư nhân trong nước, nhất là DNNVV.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, điểm đáng lo ngại là việc DN tư nhân Việt Nam hiện nay kết nối chưa thành công vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều tra DN trên toàn quốc của VCCI nhiều năm liền cho thấy tỷ lệ các DN tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho DN FDI tương đối hạn chế. Theo kết quả điều tra DN gần nhất, điều tra PCI 2016, chỉ có khoảng 14% DN tư nhân đang có khách hàng là các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Liên kết hàng dọc của DN FDI với DN trong nước rất yếu (theo thống kê thì chỉ có 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua chính các DN FDI khác). Các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn.
Cơ hội từ cách mạng 4.0
“Lâu nay chúng ta đã thấy kết nối khu vực FDI với DN trong nước kém, DN trong nước chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu là do những hạn chế về năng lực và quy mô của DN Việt Nam. Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CN 4.0) đã mang lại sự thay đổi rất lớn”, ông Lộc nói.
Đó là CN 4.0 đã xóa bỏ biên giới, rút ngắn khoảng cách và tăng khả năng kết nối của từng DNNVV với DN xuyên quốc gia. “Nhờ công nghệ, giờ đây chỉ một DN nhỏ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên cũng kết nối bán hàng được cho chuỗi cửa hàng cà phê bên Mỹ”, ông Lộc nói.
Cho rằng, CN 4.0 có thể thay đổi toàn bộ thương mại thế giới; việc áp dụng đúng lúc công nghiệp sáng tạo này sẽ là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế xa hơn nữa của Việt Nam, ông Hirohide khẳng định “khả năng tạo dựng các mối liên kết DN FDI với DN Việt Nam rất đa dạng, chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng để phát triển mạnh các mối liên kết này”. Theo ông, DN Nhật có lợi thế về công nghệ, trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển. Đây là điều mà các DN Việt Nam có thể học hỏi được trong quá trình liên kết với DN Nhật Bản.
Ông Hirohide Sagara - Trưởng đại diện Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI và ông Funayama Tetsu - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam bắt tay liên kết. Ảnh: Hằng Hạnh (VCCI) |
Ông Funayama Tetsu, Hiệp hội DN Nhật Bản (JBA) bày tỏ kỳ vọng Nhật Bản sẽ là quốc gia đứng đầu về đầu tư vào Việt Nam (hiện Nhật Bản đang đứng thứ 2). Cơ sở cho kỳ vọng này là sự hợp tác giữa hai nước sẽ bền chặt hơn sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 6, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên.
“Tôi đã dự cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với DN hôm 17/5 vừa rồi. Tôi rất cảm kích và tin tưởng vào lời hứa của Thủ tướng về sự bình đẳng giữa các DN, bình đẳng giữa DNNN, DN tư nhân và DN FDI”, ông Tetsu nói.
Tại VBF 2016, Thủ tướng cũng đã đánh giá cao vai trò của khu vực FDI, nhưng nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là mọi DN dù là kinh tế tư nhân hay FDI đều bình đẳng, khuyến khích tinh thần hợp tác, liên kết chuỗi giá trị và cạnh tranh lành mạnh.
Nhưng để DN Việt Nam kết nối với DN FDI, để đầu tư nước ngoài vào nhiều hơn, cộng đồng DN kiến nghị, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Điều mà các DN vẫn chưa yên tâm là nhiều kiến nghị từ những diễn đàn trước sẽ lại tiếp tục được nêu ở diễn đàn này. Bên cạnh đó là vấn đề thực thi chính sách, chủ trương, nghị quyết chưa tốt, khoảng cách giữa nghị quyết, chính sách đến thực hiện vẫn còn xa.
Tại Diễn đàn hôm nay, cộng đồng DN lại tiếp tục tham gia trực tiếp cùng các nhà hoạch định chính sách, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Và chủ điểm tập trung của VBF 2017 là tác động của chính sách toàn cầu tới đầu tư khu vực tư nhân tại Việt Nam, là sự kết nối giữa khu vực đầu tư nước ngoài FDI và khu vực tư nhân trong nước, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, áp dụng CN 4.0…
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, tại VBF 2016, cộng đồng DN đã đưa ra 127 kiến nghị. Đến hôm nay – VBF 2017 khai mạc, 50% số kiến nghị đó được giải đáp thoả đáng. Số kiến nghị còn lại, cơ quan quản lý trả lời chung chung, chưa nêu đúng nội dung DN mong muốn nhận được. |