Venezuela loại bỏ đồng USD khỏi thị trường hối đoái
Phó Tổng thống phụ trách kinh tế của Venezuela, ông Tareck El Aissami, ngày 16/10 thông báo nước này sẽ từ bỏ đồng USD trong tất cả các giao dịch tương lai trên thị trường hối đoái Venezuela.
Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami |
Theo đó, tất cả các phiên đấu thầu của chính phủ sẽ được thực hiện bằng đồng euro, nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác. Người dân và các doanh nghiệp tư nhân sẽ được phép tham gia hoạt động đấu giá trên Hệ thống ngoại tệ hối đoái bổ sung (Dicom) bằng đồng euro, nhân dân tệ hoặc bất cứ đồng tiền chuyển đổi nào khác, ngoại trừ đồng USD.Trong khi tất cả ngân hàng tư nhân ở Venezuela bắt buộc phải tham gia vào hệ thống Dicom; các giao dịch ngân hàng sẽ dựa trên cơ sở đồng euro.
Ông El Aissami cũng cho biết, chính phủ Venezuela sẽ mở tài khoản ngân hàng ở châu Âu và châu Á như là giải pháp đối phó với các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ. Ngành ngân hàng của Venezuela giờ đây sẽ có thể tham gia đấu giá tiền tệ ba lần một tuần và chính phủ sẽ bơm khoảng 2 tỷ USD vào nền kinh tế trong bối cảnh giá dầu tăng trở lại.
Venezuela đang phải vật lộn để chế ngự lạm phát phi mã, đồng nội tệ rớt thảm do tình trạng khan hiếm ngoại tệ và thiếu trầm trọng các nhu yếu phẩm dành cho người dân. Theo ước tính mới nhất của IMF đưa ra trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, lạm phát hàng năm của Venezuela có thể lên tới 1,37 triệu phần trăm vào cuối năm nay và tăng 10 triệu phần trăm trong năm 2019 khi mà Chính phủ nước này đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách bằng cách in tiền.
IMF cũng vẫn giữ nguyên dự báo rằng kinh tế của Venezuela sẽ giảm 18% trong năm 2018 - là năm thứ 3 liên tục GDP suy giảm ở mức hai con số do sản lượng dầu giảm và bất ổn chính trị tăng.
Theo IMF, nhiều năm duy trì chính sách sai lầm cùng với sự sụt giảm trong sản xuất xuống mức thấp 7 thập kỷ của ngành công nghiệp dầu mỏ quan trọng nhất của Venezuela đã kéo quốc gia này rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Thế nhưng ngay cả khi dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh cộng thêm tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro vẫn phản đối việc thắt chặt kiểm soát giá cả và tiền tệ, những yếu tố mà các nhà kinh tế cho rằng là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính của Venezuela.
Trong khi đó, Chính phủ Venezuela khẳng định những tai ương của đất nước là kết quả của hành vi “phá hoại kinh tế”. Để đối phó với lạm phát phi mã, Venezuela đã phải phát hành đồng tiền mới với tên gọi là đồng Bollivar chủ quyền bằng cách xóa bỏ đi 5 số 0 trên đồng tiền cũ. Chính quyền Venezuela cũng đã thực hiện tăng lương tối thiểu 24 lần kể từ khi ông Marudo nhậm chức vào năm 2013 để chống lại lạm phát, bao gồm cả lần tăng lương tới 3.000% hồi tháng 8 vừa qua lên mức 1800 Bolivar. Tuy nhiên đến nay mức lương này chỉ tương đương chưa tới 20 USD/ tháng.
Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Nicolas Maduro cũng thông báo nước này đã bắt đầu các hoạt động giao dịch bằng đồng tiền điện tử mang tên “Petro” tại thị trường trong nước và quốc tế với tất cả các đảm bảo tương ứng.Tổng thống Maduro nhấn mạnh với kế hoạch phát triển trong 10 năm, đồng Petro điện tử có mục tiêu nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại quốc tế và nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ.
Cũng theo nhà lãnh đạo Venezuela, kể từ ngày 1/11, mọi người dân Venezuela đều có thể mua đồng Petro bằng đồng nội tệ Bolivar Chủ quyền, cũng như thực hiện các mua bán bất động sản hay một số các mặt hàng khác bằng đồng Petro điện tử.Bên cạnh đó, người mua cũng có thể sử dụng bất kỳ loại tiền điện tử khác hoặc ngoại tệ để mua Petro.