VEPR: Tăng trưởng kinh tế năm nay cao nhất 6,1%
Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,4-6,1% nếu kiểm soát được dịch bệnh ngay trong tháng 8/2021 | |
Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt 6,5% |
Ngày 22/7, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II và 6 tháng đầu năm 2021.
Ảnh minh họa |
Đánh giá tăng trưởng kinh tế Quý II duy trì tốc độ tích cực nhờ các yếu tố chính như: Chính phủ kiểm soát dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu tăng trưởng trở lại song chủ yếu thuộc về lợi thế của các doanh nghiệp FDI và việc tận dụng tốt Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ hoạt động kinh tế phục hồi.
Theo đó, kết thúc Quý II/2021 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,61% so với cùng kỳ cao hơn mức tăng trưởng của quý I ở mức 4,48%.
Tuy nhiên, các tháng cuối Quý II, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở một số địa phương đã làm gián đoạn quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Những rủi ro nội tại lại hiển hiện như: mất cân đối tài khóa, tốc độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng chậm lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trễ…
Căn cứ trên tốc độ, quy mô tiêm chủng vắc-xin và hiệu quả của các biện pháp phòng dịch Covid-19. Cùng với các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước, VEPR đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2021.
Kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 4,5 - 5,1%, trên cơ sở dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát vào cuối Quý III/2021, tiêm chủng vắc-xin được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý II/2022, kinh tế vĩ mô ổn định.
Kịch bản thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 5,4 - 6,1%, nếu dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vắc-xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định.
Kịch bản bất lợi, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 3,5 - 4,0%, khi tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa trở lại bình thường cho tới Quý IV/2021. Nhất là quá trình tiêm chủng được triển khai chậm do thiếu nguồn cung vắc-xin và các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm.
Theo đánh giá của VEPR, trong nửa đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với các cân đối vĩ mô, các diễn biến thị trường và chính sách tiền tệ đã tạo điều kiện tiết giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặt lãi suất giảm 0,3% so với cuối năm ngoái và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND vẫn duy trì ổn định ở mức 4,5%/năm, lãi suất cho vay USD giao động ở mức 3% - 6%/năm.
Hệ thống các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho trên 258 ngàn khách hàng, miễn, giảm lãi cho khách hàng gần 1,3 triệu tỷ đồng.
Theo VEPR, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tiếp sức cho nền kinh tế trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng cung tiền chậm lại và NHNN chưa sử dụng đến các biện pháp bơm thanh khoản trên diện rộng và vẫn tập trung chủ yếu vào mở rông tín dụng có chọn lọc, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19.