Việt Nam - điểm sáng kinh tế của châu Á giữa thương chiến
Theo các chuyên gia đến từ UOB, nhờ vào sự bùng nổ của nhu cầu trong nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển kinh tế đến 6,7% trong năm 2019 với mức lạm phát ở khoảng 3,4% và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.
Địa chỉ cho dòng vốn FDI
Cùng với sự tăng trưởng của dòng vốn FDI, các hoạt động dự án FDI mới đã được triển khai tại Việt Nam cho thấy tín hiệu ổn định. Kể từ đầu năm đến tháng 7, Việt Nam đã ghi nhận 2,064 dự án mới, cao hơn 25% so với cùng kỳ năm 2018, là một kỷ lục mới.
Đề cập nguyên nhân, UOB cho rằng theo xu hướng chung, việc di dời các cơ sở sản xuất tới những địa điểm thay thế đã tăng cường chuyển dịch dòng vốn toàn cầu, điểm đến không chỉ riêng Việt Nam mà còn đến các nước ASEAN khác.
Phân tích cán cân thanh toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI vào ASEAN kể từ đầu quý III/2018, khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu leo thang.
Dựa trên nguồn vốn FDI trung bình rót vào từng quốc gia ASEAN, có thể cho rằng Việt Nam và Malaysia là các quốc gia được hưởng lợi chính từ dòng vốn này.
Cụ thể, kể từ quý III/2018, trong mỗi quý, Việt Nam nhận được trung bình 4 tỷ USD vốn FDI, tăng 18% so với mức trung bình các quý trong nửa đầu năm 2018. Malaysia cũng từng chứng kiến sự tăng trưởng tương tự, với bước nhảy vọt lên đến 60% trong nguồn vốn FDI được rót vào hàng quý trong giai đoạn từ quý III/2018 đến quý I/2019.
Sự gia tăng này ít thấy hơn ở các nước ASEAN lớn khác như Thái Lan và Indonesia, có thể do mối lo ngại về các cuộc tổng bầu cử vào quý I/2019 làm ảnh hưởng đến quan điểm của các nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, ngoài lợi thế về mặt địa lý giáp với Trung Quốc, một trong những ưu thế khác của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI là mức chi phí lao động tương đối thấp, đặc biệt khi so với Trung Quốc và Thái Lan.
Đồng thời, tình hình nhân khẩu học của Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng tốt. Theo Liên Hợp Quốc, dân số Việt Nam ước tính vào khoảng 96 triệu người, với khoảng 70% dân số ở độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi vào năm 2019.
FTA “mở đường” cho sản xuất
Một điểm mạnh khác của Việt Nam, theo đánh giá của UOB, là mạng lưới các hiệp định thương mại. Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và 3 hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán.
Điều này có nghĩa là nguồn hàng Việt Nam khi xuất khẩu đến các khu vực quan trọng trên thế giới sẽ được miễn thuế, tạo cơ hội cho việc di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam để mở rộng kinh doanh với các đối tác ở mức chi phí tối thiểu.
Các Hiệp định thương mại tự do lớn của Việt Nam bao gồm Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu trên 98% hàng hóa giao dịch giữa các quốc gia thành viên của CPTPP, Hiệp định thương mại này dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và thu hút các doanh nghiệp Đa quốc gia tiếp cận các quốc gia thành viên của CPTPP quanh khu vực Vành đai Thái Bình Dương.
Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ hướng Việt Nam đến việc thực hiện cải cách trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong thời gian trung hạn.
Trong khi đó với EVFTA, vòng 10 năm hiệp định sẽ loại bỏ gần 99% thuế hải quan giữa các thành viên, giúp Việt Nam tăng cường thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các nhà sản xuất thuộc lĩnh vực ô tô và phụ tùng, xe chạy bằng điện, máy tính và linh kiện, các mạch điện… với mục tiêu xuất khẩu sang các nước EU.
Hơn nữa, hiệp định thương mại này sẽ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút thêm vốn vào một số lĩnh vực thế mạnh của EU, như các ngành về chế biến và sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch và dịch vụ tài chính.
Trở ngại và gợi ý chính sách
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng gặp trở ngại khi tỷ lệ lao động lĩnh vực nông nghiệp tương đối cao. Yếu tố này có thể kìm hãm tốc độ phát triển của ngành sản xuất trong khoảng thời gian gần trung hạn, do nguồn lao động lành nghề còn hạn chế.
Khảo sát về lực lượng lao động do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện vào năm 2018 cho thấy, công nhân lành nghề chỉ chiếm 21% tổng lực lượng lao động. Đây có thể là một trong những yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú ý để thu hút thêm vốn FDI trong tương lai.
Trong thời gian trung đến dài hạn, Việt Nam đang nỗ lực hướng đến sự phát triển bền vững bằng cách theo đuổi xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng và nâng cao mức sống. Theo UOB, về khía cạnh này, Chính phủ đã thể hiện sự kiên định và quyết tâm của mình trong việc hoạch định các chính sách liên quan, giúp củng cố tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Với chính sách tiền tệ, UOB dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn (refinancing rate) ở mức 6,25% trong năm nay. Với mức lãi suất huy động hiện tại, chính sách tiền tệ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi giúp GDP tăng trưởng đều đặn, và giữ được sự ổn định về giá.
Để chuẩn bị cho những thay đổi đến từ các yếu tố bên ngoài, theo UOB, việc duy trì chính sách là rất quan trọng, đặc biệt là giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Tóm lại, cùng với sự bùng nổ của nhu cầu nội địa và nguồn vốn FDI, theo các chuyên gia của UOB, Việt Nam được kỳ vọng 2019 có khả năng sẽ là một trong những năm “tốt nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam”.
Việt Nam đã phát triển trở thành một điểm đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp Đa quốc gia trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra.