Việt Nam được lựa chọn là chuỗi cung ứng được ưa thích thứ hai toàn cầu
Năng lực công nghệ và chuỗi cung ứng là những rào cản hàng đầu để doanh nghiệp mở rộng thị trường Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế |
Theo báo cáo của Citi về tài trợ chuỗi cung ứng, nền kinh tế châu Á có thể sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng này. Việt Nam và các nước ASEAN khác có thể chiếm vị trí nổi bật hơn trong chuỗi cung ứng công nghệ nhờ vào cơ sở hạ tầng vững chắc hiện có.
Bà Lại Minh Thúy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Luồng tiền và Thanh toán Quốc tế của Citi Việt Nam |
Hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi trên toàn cầu trong cuộc khảo sát của Citi cho biết họ đã hoặc đang xem xét đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Bắc Mỹ dẫn đầu các khu vực khác với tỷ lệ 63%. Các lãnh đạo doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết, ngoài Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn ưa thích thứ hai khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chỉ có các doanh nghiệp châu Mỹ Latin bày tỏ mong muốn đưa sản xuất trở lại thị trường quê hương của họ hơn các khu vực khác. 40% người được hỏi trả lời “Có” hoặc “Đang cân nhắc” chuyển sản xuất sang Việt Nam. 20% số người được hỏi chọn Thái Lan và 25% đề cập đến các thị trường Nam Á khác.
Báo cáo của Citi nhấn mạnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch sản xuất về nước và gần hơn đã diễn ra trên quy mô lớn. Việc xây dựng các cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây. Các quốc gia ở Mỹ Latin, đặc biệt là Mexico, cũng như các nền kinh tế châu Á mới nổi khác như Việt Nam và Ấn Độ, cũng được hưởng lợi từ việc tái cơ cấu này. Ấn Độ đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động và chính phủ nước này đã có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào các lĩnh vực khác như bán dẫn, năng lượng tái tạo và ô tô.
“Trong bối cảnh thương mại toàn cầu năng động ngày nay, nhu cầu phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ mang lại cơ hội cho các tập đoàn lớn mà còn mở ra không gian phát triển cho những doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia thị trường toàn cầu, trong đó có các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Khi các doanh nghiệp ngày càng chú trọng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, việc đầu tư chiến lược vào điều này sẽ thúc đẩy chuyển đổi kinh tế sang các mô hình đa dạng và bền vững hơn. Việt Nam, cùng với Malaysia và Thái Lan, là những ví dụ ban đầu cho thấy thực tế này ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi sự thay đổi như vậy thể hiện rất rõ,” bà Lại Minh Thúy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Luồng tiền và Thanh toán Quốc tế của Citi Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, những thay đổi này khó có thể làm mất đi vị thế của Trung Quốc như một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có nhiều lý do khiến các công ty chuyển sản xuất sang Trung Quốc từ đầu, như chi phí thấp hơn và cơ sở hạ tầng hỗ trợ mạnh mẽ, và những yếu tố này vẫn sẽ tiếp diễn trong những năm tới. Ngoài ra, một số lĩnh vực quan trọng như ô tô, Trung Quốc đã đang giành được thị phần toàn cầu trong những năm gần đây. Trong tương lai, Trung Quốc khả năng vẫn là trung tâm của nhiều chuỗi sản xuất và cung ứng lớn.
Khi Trung Quốc tăng cường tập trung sản xuất các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, các lĩnh vực sản xuất truyền thống hơn đang chuyển sang ASEAN. Điều này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam, với vị trí gần Trung Quốc, duy trì tăng trưởng cao và bền vững.
“Sự phát triển của Việt Nam như một điểm đến ưa thích của chuỗi cung ứng bắt nguồn từ vị trí địa chiến lược, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, lực lượng lao động lành nghề và môi trường kinh doanh thuận lợi đối với đổi mới và tăng trưởng. Đón nhận kỷ nguyên thương mại kết nối mới này, Việt Nam đang củng cố vị thế của mình như một thành tố chủ chốt trong bức tranh chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Lại Minh Thúy cho biết thêm.