Xuất khẩu sang Trung Quốc trước những cơ hội mới
Xuất khẩu gỗ nỗ lực vượt khó Xuất khẩu nông sản kỳ vọng hút vốn vay |
Chinh phục thị trường hơn tỷ dân
Theo Bộ Công Thương, hiện nay đã có hàng trăm mặt hàng rau quả, thủy sản và nhiều loại sản phẩm khác của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Mới đây, lô tổ yến sào đầu tiên của Việt Nam đã được vận chuyển chính ngạch bằng đường hàng không sang thị trường Trung Quốc. Trước đó, ngày 20/10/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp mã code xuất khẩu và có công hàm chính thức cấp phép cho Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang được xuất khẩu tổ yến sào chính ngạch vào thị trường này.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng vượt bậc |
Bà Trần Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang cho biết, công ty chọn đường hàng không để vận chuyển yến sào xuất khẩu với mong muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức tối ưu nhất. Hải Yến Nha Trang xác định việc xuất khẩu yến sào Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là mục tiêu mang tính chiến lược. Để tạo ra những sản phẩm tổ yến chất lượng cao, công ty chú trọng trong việc chọn lọc và xây dựng nguồn nguyên liệu thô có chất lượng tốt, áp dụng quy trình chế biến tiên tiến để giữ được hàm lượng dưỡng chất tốt nhất của tổ yến.
Theo ông Lê Thành Đại - Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng cho tổ yến Việt Nam. Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho ngành nuôi yến phát triển theo chiều sâu. Việc lô yến của Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mở ra cơ hội xuất khẩu yến sào của các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường hơn 1 tỷ dân trong thời gian tới đây.
Với nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, Việt Nam đã ký Nghị định thư với Trung Quốc đối với trái sầu riêng, giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này tăng trưởng vượt bậc. Theo tính toán của doanh nghiệp, năm 2023, doanh thu từ xuất khẩu sầu riêng của công ty tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cần tìm hiểu kỹ thị trường, tuân thủ hàng rào kỹ thuật
Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt khoảng hơn 200 triệu USD/năm. Từ tháng 7/2022, sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã tăng tốc: Năm 2022 đạt 420 triệu USD; dự kiến năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam với giá trị 12,2 tỷ USD trong năm 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2023 là nhờ nhiều Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022. Theo đó, nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.
Việt Nam hiện có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Mới nhất, ngày 13/12/2023, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản này. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh đàm phán để quả ớt Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là mặt hàng giá trị xuất khẩu có thể lên tới hàng trăm triệu USD/năm.
Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiện Trung Quốc đang mở rộng nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Nhiều mặt hàng đang được hai bên gấp rút hoàn thiện hồ sơ để mở rộng thông thương. Nếu những mặt hàng mới sớm được ký nghị định thư với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2024 sẽ còn tăng mạnh.
Tuy nhiên, thách thức cũng đặt ra cho doanh nghiệp khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc là phải tuân thủ các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật… Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan.
Một rủi ro khác là tình trạng lừa đảo ngày một tinh vi, phức tạp. Đơn cử như mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký thông qua 2 website www.gacc.app và www.aqsiq.net và phải trả phí từ 100 - 1.000 USD. Trước thông tin này, Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định, Tổng cục Hải quan Trung Quốc không yêu cầu về loại giấy tờ này và quy định thu phí trực tuyến. 2 website trên có dấu hiệu giả mạo và lừa đảo doanh nghiệp khi sử dụng tên viết tắt tiếng Anh của các cơ quan trực thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong địa chỉ website.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần truy cập các website chính thức của phía Trung Quốc có đuôi .cn để kiểm tra kết quả đăng ký, tra cứu thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Theo quy định của Hải quan Trung Quốc và Việt Nam, không có chuyện thu phí về việc cấp mã xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp. Trong trường hợp phía khách hàng yêu cầu như vậy thì đề nghị các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia là Văn phòng SPS Việt Nam để được giải đáp các quy định này cho doanh nghiệp.