Áp dụng nền tảng số: “Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp thời Covid-19
Doanh nghiệp và thị trường lao động thời Covid-19 | |
Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp: Tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 |
Chiều 17/4, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Áp dụng nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Sự kiện được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong đại dịch, qua đó mang đến giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đầy đủ thông tin và các chính sách hỗ trợ, đồng thời nắm rõ quy trình, thủ tục thực hiện.
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao kỷ lục
Tính đến cuối tháng 3, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường – đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa dẫn khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đối với hơn 1.200 doanh nghiệp cho thấy, có tới 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng.
Nhiều doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng do dịch bệnh |
Phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) Nguyễn Kim Hùng khẳng định, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ngành du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống.
Hoạt động kinh doanh đang bị cầm chừng, doanh thu bị sụt giảm rất lớn do tác động của dịch bệnh. Thực trạng đó dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp không những không còn lợi nhuận mà còn có thể bị âm vốn. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và không có giải pháp khống chế, nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể phải đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đơn cử như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, hiện không phải tất cả doanh nghiệp đều tiếp cận được đầy đủ thông tin, chính sách hỗ trợ và quy trình/thủ tục hành chính để tận dụng những chính sách này; đặc biệt là khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Nền tảng số đang tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang là đối tượng bị tổn thương nhất bởi hạn chế về nguồn lực, chưa đủ khả năng đầu tư các hệ thống thông tin lớn.
Vì vậy, có thể sớm vượt qua được “cơn bão” Covid-19, khu vực doanh nghiệp này buộc phải thay đổi cách thức quản lý, kinh doanh. Trong đó, việc áp dụng nền tảng số là một trong những giải pháp hiệu quả.
Nền tảng số là nhánh cơ bản của kinh tế số. Nền tảng số đã đặt nền móng cho những thành công đột phá của nhiều tên tuổi lớn như Google, Amazon, Uber, Airbnb hay eBay... Hơn thế nữa, một loạt các hoạt động kinh tế - xã hội: giáo dục, y tế, quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi.
Áp dụng hiệu quả nền tảng số sẽ giúp doanh nghiệp sớm vượt qua “cơn bão” Covid-19. |
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các nền tảng số đã và đang góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website,… nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, dịch bệnh là 'động lực' giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và đây là yêu cầu bắt buộc. Việt Nam đang dần thích ứng với các hoạt động online.
Bây giờ là lúc doanh nghiệp tập trung tái cơ cấu, từ hình thức sản xuất, giao tiếp với khách hàng, tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng để thích ứng với thời kỳ dịch bệnh, giúp nâng cao năng suất lao động, hướng tới sự bứt phá sau dịch.
Các doanh nghiệp phần mềm, công nghệ thông tin cần đẩy mạnh cung cấp giải pháp chuyển đổi số, quản lý số, giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cần triển khai ứng dụng nền tảng số vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt…
Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần “tân trang” tư duy mới và hiện đại hơn về nền tảng số, đồng thời, tự chuẩn bị cho mình một “thời điểm vàng” để sẵn sàng bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới sau thời kỳ hậu Covid-19.
Về phía các cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Văn Thân, các bộ, ban ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả những giải pháp điều hành.
Cùng với đó, chính các doanh nghiệp thuộc khu vực nhỏ và vừa cũng cần sự chủ động ứng dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương để chia sẻ nguồn lực; tích cực chuyển đổi phương thức quản lý, quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh từ xa (hay còn gọi là cơ chế hoạt động không gặp mặt); tuyệt đối tuân thủ các giải pháp giúp giảm thiểu lây lan dịch bệnh trong thời dịch Covid-19 và nâng cao hiệu suất của người lao động cũng như gia tăng sự minh bạch của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần sự phối hợp để liên kết và tích hợp các giải pháp giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc triển khai thương mại điện tử bằng cách tích hợp ví điện tử, chữ ký số, mobile money và các công cụ thanh toán đầu cuối... để giảm thiểu thanh toán tiền mặt lại vừa minh bạch hóa các hoat động thương mại của doanh nghiệp.
“Đây cũng là cách để tự động đánh giá giá trị doanh nghiệp theo thời gian thực nhằm giúp doanh nghiệp thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư”, ông Thân cho hay.