Cần có cơ chế mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo
6 năm, startup Việt Nam nhận đầu tư 2 tỷ USD Đà Nẵng - thành phố khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp |
Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn Hà Nội”. |
Ngày 24/10, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn Hà Nội”.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, tính đến nay, thành phố Hà Nội có 32 vườn ươm doanh nghiệp (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước). Việc hình thành những vườn ươm khởi nghiệp giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận được các chương trình đào tạo, ươm tạo chuyên nghiệp, nhờ đó có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và phát triển ổn định, bền vững.
Phần lớn các vườn ươm được thành lập trong khoảng thời gian từ 2015 - 2018, cùng thời điểm với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và hoạt động khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ tại các tỉnh, thành, địa phương.
TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, những năm qua, nhà trường đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên như quy định hoạt động NCKH và KNĐMST cho cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên.
Hàng năm, nhà trường đã trích 0,5-0,8% từ nguồn chi thường xuyên cho hoạt động NCKH và KNĐMST. Ngoài ra, Nhà trường còn khai thác các nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa cho các nhiệm vụ NCKH.
Từ 2018 đến nay, Nhà trường đã hỗ trợ 10 nhóm, cá nhân có ý tưởng và dự án khởi nghiệp thành công; giới thiệu và kêu gọi đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp với số tiền đầu tư là 1,2 tỷ đồng.
TS. Phạm Xuân Khánh cho biết, vấn đề thách thức lớn nhất hiện nay ở nội dung này là việc ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành doanh nghiệp khởi nghiệp tại nhà trường là vô cùng khó khăn ở thời điểm hiện nay.
Việc thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở ươm tạo là việc không đơn giản. Nguyên nhân là về nguồn tài trợ cho các cơ sở ươm tạo hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, tập trung vào mặt bằng và cơ sở nhà xưởng.
Một thách tức khác, đó là pháp lý là nỗi “ám ảnh” cho các nhóm khởi nghiệp. Pháp lý luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của bất kỳ doanh nghiệp nào. Một doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có nền tảng pháp lý vững chắc.
Bà Đặng Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư), để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội và xây dựng văn hóa khởi nghiệp đặc biệt là đội ngũ tri thức, giới trẻ, học sinh, sinh viên nhằm gia tăng chỉ số khởi nghiệp sáng tạo của thành phố.
Bên cạnh đó, triển khai các gói hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như: Không gian làm việc chung, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình đào tạo kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các cá nhân.
TS. Phạm Xuân Khánh cho rằng, dựa trên nghiên cứu xu thế khoa học công nghệ của thế giới, tìm ra những vấn đề mới, chú trọng một số công nghệ ưu tiên cần tập trung phát triển để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ về sức khỏe, trí thông minh nhân tạo, vật liệu mới, tích trữ năng lượng...
"Có cách tiếp cận mới, toàn diện về sản phẩm của địa phương do Sở Khoa học Công Nghệ làm đầu mối, trong đó đặc biệt chú trọng tiêu chí là sản phẩm trí tuệ của Thủ đô, công nghệ của Việt Nam. Đẩy mạnh và phát triển Khu công nghệ cao Hoà Lạc thành trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ cao", TS Phạm Xuân Khánh chia sẻ.
Bên cạnh đó, đổi mới thực sự cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, tháo gỡ vướng mắc quy trình, thủ tục liên quan đến các đề tài, sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong khoa học. Cần phải cải cách thủ tục quy trình, đẩy nhanh giai đoạn nghiên cứu để nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.