Cần thêm cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Trung tâm đổi mới sáng tạo miền Trung
Với lợi thế nguồn nhân lực chất lượng, hệ sinh thái khởi nghiệp phong phú, Đà Nẵng đang hướng tới vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung. Trong các năm gần đây, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, từ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đến đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã xây dựng đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo,” kỳ vọng sẽ định hình Đà Nẵng thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Các hoạt động đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng hiện không chỉ tập trung vào khởi nghiệp mà còn hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng vào năm 2021 trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Trung tâm đóng vai trò kết nối, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các địa phương lân cận, phát triển mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, và đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp.
Đà Nẵng cũng chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tập trung vào các quốc gia có nền công nghiệp sáng tạo phát triển mạnh như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, và Singapore. Nhờ đó, thành phố không chỉ học hỏi các kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mà còn thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tăng cường tiềm lực tài chính hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp địa phương.
Với lợi thế nguồn nhân lực, hệ sinh thái khởi nghiệp phong phú, Đà Nẵng hướng tới vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo ở khu vực miền Trung. |
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cho biết thêm, thành phố đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị với một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Đà Nẵng có quyền miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp và cấp phép thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới. Đây là những cơ chế quan trọng giúp Đà Nẵng dễ dàng phát triển các dự án đổi mới sáng tạo mà không bị ràng buộc bởi các quy định hiện hành.
Đến nay, Đà Nẵng đã hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các gói tài trợ từ ngân sách nhà nước. Trong đó, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đã giúp 32 doanh nghiệp và vườn ươm với kinh phí 6,1 tỷ đồng; chính sách bảo hộ tài sản trí tuệ hỗ trợ đăng ký cho 21 nhãn hiệu trong nước, 2 nhãn hiệu nước ngoài, và nhiều sáng chế khác với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Hướng đi cho tương lai
Mặc dù, Đà Nẵng đạt nhiều tiến bộ, nhưng chỉ số Đổi mới sáng tạo (PII) của thành phố vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục. Theo bảng xếp hạng năm 2023, Đà Nẵng đứng thứ 4 cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo, sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Tuy nhiên, chỉ số này cho thấy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp và năng lực sáng tạo, công nghệ của Đà Nẵng vẫn còn hạn chế, với điểm số chưa cao về trình độ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm trí thức.
Thực tế cho thấy một số chính sách hiện hành còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều đơn vị chưa dễ tiếp cận hoặc hưởng lợi từ chính sách. Đà Nẵng vẫn cần thêm các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp có tiềm năng để làm “đầu tàu”. Từ đó, dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp mở rộng hơn. Hiện tại, các hoạt động đổi mới sáng tạo chủ yếu tập trung trong phạm vi các trường đại học và cơ sở giáo dục.
Đà Nẵng cần xây dựng những chính sách tạo sự khác biệt trong đổi mới sáng tạo so với các địa phương khác. |
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng cần tối ưu hóa các chính sách quốc gia về đổi mới sáng tạo và phát triển khởi nghiệp. Thành phố nên xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác thế mạnh riêng của mình, tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn lực từ tư nhân, quốc tế, cộng đồng và hợp tác công - tư. Một số lĩnh vực như kinh tế biển, dịch vụ logistics và giao thông có thể trở thành nền tảng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo của thành phố.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Ca, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), để phát triển bền vững, Đà Nẵng cần xây dựng các chính sách tạo sự khác biệt so với các địa phương khác, tập trung vào những ngành công nghiệp có lợi thế, như kinh tế biển, logistics, hay dịch vụ công nghệ.
Đặc biệt, thay vì tập trung quá nhiều vào khởi nghiệp, Đà Nẵng cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện có, giúp họ cải tiến công nghệ và thích ứng với các xu hướng sáng tạo. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn ở khởi nghiệp mà còn bao gồm cải tiến quy trình, công nghệ và sản phẩm trong các doanh nghiệp hiện tại. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của Đà Nẵng trong thời gian tới. Thành phố cũng nên tạo ra môi trường sống và làm việc hấp dẫn cho các nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nhân, nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo...
Những chính sách đồng bộ và đột phá về đổi mới sáng tạo sẽ giúp Đà Nẵng đạt được mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của miền Trung, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.